ông hỏi, “Tối nay tivi có gì vậy, Yến?” Vì ông cứ gọi bà bằng tên của
người khác nhiều lần suốt trong những tuần kế tiếp, câu hỏi người phụ
nữ ấy là ai chiếm trọn thời gian của bà. Có lẽ Yến là một đam mê
thoáng qua lúc nhỏ, hoặc một bạn sinh viên trong những năm sau đại
học ở Marseille, hoặc thậm chí là một bà vợ khác ở Sài Gòn, một bà
mà ông ghé thăm trên đường từ trường đại học về nhà, trong những
giờ đằng đẵng vào chiều tối khi ông bảo bà rằng ông đang ở văn phòng
trong viện đại học, sửa bài thi cho sinh viên. Bà ghi lại mọi sự cố về
nhầm lẫn tên gọi này vào các sổ của ông, nhưng sáng hôm sau ông đọc
những dòng giả mạo của bà mà không có phản ứng gì, và không lâu
sau đó có thể lại gọi bà là Yến, cho đến khi bà nghĩ bà có thể bật khóc
nếu nghe thấy cái tên đó lần nữa.
Người phụ nữ ấy rất có thể là một hình ảnh tưởng tượng mà trí óc lan
man của giáo sư tìm thấy, hoặc như bà tự nhủ khi nhìn thấy ông ở
truồng, quỳ trong bồn tắm và điên cuồng chà cọ quần dài và quần lót
dưới tia nước nóng. Trừng mắt liếc qua vai, giáo sư la lên, “Ra đi!” Bà
bật lui lại, vội vàng đóng sầm cửa buồng tắm. Trước đây chưa bao giờ
giáo sư mất kiểm soát như vậy, hoặc lớn tiếng với bà, ông cũng không
hề như thế ngay cả trong những ngày đầu sau khi chuyển tới phía nam
California, khi họ dùng bữa bằng tem thực phẩm, nhận trợ cấp thuê
nhà, và mặc quần áo cũ do giáo dân nhà thờ St. Albans gởi tặng. Ðó là
tình yêu thực sự, bà nghĩ, khi không tặng hoa hồng mà đi làm mỗi
ngày và không hề than thở về việc dạy tiếng Việt cho những người
được gọi là học viên ngôn ngữ di sản, những sinh viên là di dân và
người tị nạn vốn đã rành thứ tiếng này nhưng đơn giản chỉ muốn điểm
cao.
Ngay cả trong thời kỳ kinh hoàng nhất của đời bà, khi họ lạc hướng
giữa cõi trời biển xanh ngát mênh mông, sóng cuộn không ngừng về
phía đường chân trời, giáo sư cũng không hề cao giọng. Ðến buổi tối
ngày thứ năm, âm thanh duy nhất ngoài tiếng sóng vỗ vào thân tàu là