tiếng trẻ con rên rỉ và người lớn cầu khấn Chúa, Phật, và ông bà tổ
tiên của họ. Giáo sư không cầu nguyện. Thay vì thế, ông đứng ở mũi
tàu cứ như đang ở trên bục giảng, mấy đứa con rúc vào nhau dưới
chân ông để tìm che chở trước làn gió đêm, và ông nói bừa với chúng.
“Ngay cả ban ngày mấy con cũng không thấy được,” ông nói, “nhưng
dòng hải lưu đang đẩy tàu mình sẽ chảy thẳng tới Philippines, theo
kiểu nó vẫn chảy từ khai thiên lập địa.” Ông lặp lại câu chuyện này
thường xuyên tới nỗi ngay cả bà cũng tin theo, cho đến buổi chiều của
ngày thứ bảy, khi họ thấy, ở xa xa, một dải đất đầy đá của một bờ biển
xa lạ. Bám trên đó là những căn chòi của một làng chài, cứ như làm
bằng cành cây và cỏ tranh, nép giữa lưa thưa rừng đước. Nhìn thấy đất
liền, bà đã ngã vào vòng tay của ông, xô nghiêng cả cặp mắt kính của
ông, và khóc thoải mái lần đầu tiên trước mặt những đứa con đang
ngạc nhiên của bà. Bà bị chìm hoàn toàn vào nỗi ngây ngất do biết
rằng tất cả họ sẽ được sống, đến nỗi bà buột miệng “Em yêu anh.” Ðó
là điều bà chưa bao giờ nói trước mặt người khác và gần như chưa
từng nói trong chỗ riêng tư, và giáo sư, bối rối vì tiếng khúc khích của
mấy đứa con, chỉ biết mỉm cười và chỉnh lại gọng kính. Nỗi bối rối của
ông chỉ tăng thêm khi họ cặp vào vùng đất liền mà dân địa phương cho
họ biết là bờ biển phía đông Malaysia.
Vì lý do nào đó, giáo sư không nói về thời điểm trên biển này, tuy ông
nhắc tới rất nhiều chuyện khác mà họ đã cùng nhau làm trong quá
khứ, trong đó có những sự việc mà bà không nhớ gì cả. Càng nghe ông
nói, bà càng sợ trí nhớ của mình đang mất dần đi. Có lẽ họ thực sự đã
ăn kem có mùi sầu riêng trên hàng hiên nhà ở một đồn điền trà trên
cao nguyên miền Trung, ngồi dựa trên ghế mây. Và liệu có thể họ đã
cho hươu trong sở thú Sài Gòn ăn măng tre không? Hoặc đã cùng
nhau đuổi được một kẻ móc túi, một người tị nạn ghẻ lở từ vùng quê bị
bom đạn tàn phá lẻn đến bên họ trong chợ Bến Thành?