MARGUERITE DURAS
Người Tình
Chương 9
Người anh kế tôi chết trong vòng ba ngày, vì bệnh sưng phổi. Trái tim của
anh đầu hàng. Vào lúc ấy tôi đã rời xa mẹ tôi. Trong thời kỳ Nhật chiếm
đóng. Mọi chuyện đều đi đến chỗ kết thúc trong ngày hôm ấy. Tôi không
bao giờ hỏi bà những câu hỏi về tuổi nhỏ của chúng tôi, về chính bà nữa.
Ðối với tôi, bà đã chết với cái chết của người anh kế tôi. Người anh lớn tôi
cũng chết như vậy. Tôi không bao giờ vượt qua nỗi ghê tởm mà họ gợi lên
trong tôi lúc ấy. Họ không còn chút ý nghĩa nào đối với tôi nữa. Tôi không
cần biết gì về họ nữa kể từ ngày ấy. Thậm chí tôi không bao giờ biết bà đã
thu xếp như thế nào để trả hết nợ cho bọn sét-ti, bọn Ấn cho vay nặng lãi.
Một ngày nọ, họ không còn đến nhà nữa. Bây giờ tôi còn có thể nhìn thấy
họ. Họ ngồi trong căn phòng tiếp khách nhỏ ở Sa Ðéc, quấn vải trắng, họ
ngồi đó không nói một lời, hàng tháng, hàng năm. Người ta có thể nghe
thấy tiếng mẹ tôi khóc lóc và mắng chửi họ, bà ở trong phòng và không ra
ngoài, bà hét vọng ra ngoài bảo họ hãy để cho bà yên, họ câm, bình thản,
mỉm cười, không nhúc nhích. Rồi một ngày nọ, họ đi khỏi. Bây giờ họ đều
đã chết, mẹ tôi và hai anh tôi. Ðối với ký ức điều đó cũng quá trễ. Bây giờ
tôi không còn yêu thương họ nữa. Tôi không nhớ là tôi đã có bao giờ yêu
thương họ hay không. Tôi đã rời bỏ họ. Trong đầu tôi, tôi không còn có
mùi da thịt của bà nữa, cũng không còn có màu mắt của bà trong mắt tôi
nữa. Tôi không thể nhớ được tiếng nói bà, ngoại trừ một đôi khi nó trở nên
nhỏ nhẹ vì sự mệt mỏi buổi chiều hôm. Tiếng cười của bà tôi không thể
nghệ thấy nữa - không cả tiếng cười lẫn tiếng khóc của bà. Ðiều đó đã qua
mất rồi, tôi không nhớ nữa. Ðó là lý do tại sao bây giờ tôi có thể viết về bà
một cách dễ dàng, dài dòng như thế, đầy đủ như thế. Bà trở thành chỉ là
một điều gì đó để người ta viết về mà không gặp khó khăn, bản viết thảo
vội vàng.
Chắc là bà đã ở lại Sài gòn từ 1932 cho đến 1949. Vào tháng mười hai năm
1942 người anh kế của tôi chết. Bà không thể đi đâu được nữa. Bà ở lại đó -