trên. Chân giường ngâm trong những chiếc chậu đựng nước và thủy tinh
vụn để cách ly khỏi tai ương miền thuộc địa, muỗi của đêm nhiệt đới.
Bà mẹ đang nằm. Bà không ngủ.
Bà đợi con gái.
Cô trở lại.
Cô đây rồi. Cô từ bên ngoài vào. Cô đi ngang qua gian phòng. Có lẽ ta
nhận ra hình bóng cô, tấm áo của cô. Phải, đó là cô gái đã đi về phía dòng
sông trên con đường thẳng dọc theo khuôn viên.
Cô đi về phía phòng tắm. Ta nghe thấy tiếng nước chảy.
Chính lúc đó ta nhìn thấy cô. Phải. Rõ ràng, hãy còn là một cô bé. Còn
gầy gò, hầu như chưa có ngực. Tóc dài, hung nâu, quăn thành búp, cô đi
đôi guốc bản xứ bằng gỗ nhẹ có quai da. Cô có cặp mắt màu lục nhạt với
những đường vân nâu. Cặp mắt, mọi người bảo, của người cha quá cố.
Phải, chính là cô, cô bé trên con đường thẳng, người đã khóc vì bản valse.
Đó cũng là người biết rằng thiếu phụ dạo bản valse ấy chính là thiếu phụ
mặc áo đỏ đã đi qua con đường nhỏ màu trắng. Và hơn nữa cũng là người
biết rằng cô, cô bé, cô là kẻ duy nhất trong toàn khu vực nhiệm sở biết
những điều này. Trong toàn khu vực và xa hơn nữa. Cô bé như thế đó. Cô
mặc áo ngủ bằng vải bông trắng giống như áo của mẹ cô, có dây đeo ghép
ngoài, do chị Đô may.
Cô tách hai vạt màn ra, giắt nhanh màn xuống dưới nệm, chui cũng
nhanh vào khe hở, khép màn lại. Bà mẹ không ngủ. Bà ngồi dậy bên cạnh
cô và tết tóc cho cô ngủ ban đêm. Bà làm điều đó một cách máy móc,
không nhìn.
Xa xa, hơi văng vẳng tiếng xôn xao của ngôi làng bên sông, tiếng xôn
xao chỉ tắt khi trời sáng.
Cô bé hỏi, “Mẹ có thấy anh Paulo không?”. “Nó đã về, nó ăn trong bếp
với Thanh. Sau đó nó lại đi.”