múc một ít cháo gạo trộn đậu xanh miễn phí, một người đàn ông dáng người
nhỏ thó nhưng thành phần xuất thân rất tốt và thường ăn nói rất ngang ngạnh
đã giật chiếc bát trên tay tôi vất xuống đất, nói một cách thâm độc: Còn mặt
mũi mà ăn cháo nữa à? Mày nhìn hai hàng lúa mà mày đã gặt xem, chừa gốc
rạ lại quá cao, bông lúa lại rơi vãi quá nhiều, hao phí quá. Đáng ra phải trừ
vào phần lương thực được nhận của nhà mày! Đúng là lời của ông ta quá
nặng nề, tôi nghẹn lời không nói được câu nào, nước mắt trào ra, uất ức.
Đội trưởng nói: Thôi, cậu quay trở về đội nhặt bông lúa rơi vãi vậy, lớn
thêm vài tuổi nữa, lúc ấy sẽ là chủ lực của đội gặt.
Ngay buổi trưa hôm ấy, ông nội đã biết chuyện này, giận lắm. Ăn cơm
trưa xong, ông cầm một chiếc liềm ra thẳng ngoài ruộng. Ông nội vốn không
muốn vào hợp tác xã nhưng ông không thể chống đối với tư tưởng tiến bộ của
bố tôi. Sau khi vào hợp tác xã, ông thề là không thèm ăn lương thực của hợp
tác xã, ông ra đồng cắt cỏ để bán, khi không có cỏ thì đi làm thợ mộc. Do vậy
mà việc ông xuất hiện trong ruộng lúa của hợp tác xã khiến mọi người lấy làm
lạ. Đội trưởng rất lịch sự chào hỏi, ông nội không nói lấy một lời, chọn một
luống tiểu mạch rất tốt, bông lúa nặng trĩu ngã rạp xuống đất, khom người
xuống và bắt đầu vung liềm. Roạt roạt roạt… Một bó to tiểu mạch được cột
một cách gọn gàng, hai đầu xòe rộng được quẳng xuống trước mặt mọi người.
Những động tác gặt lúa của ông vô cùng thành thục, đẹp mắt và nhanh nhẹn,
khó có ai có thể đọ được. Mặt người đã mắng té tát vào mặt tôi đỏ rần lên. Ông
nội nói: Các người đã cắt được mấy mẫu tiểu mạch? Việc gì mà mặt mũi lấm
lem bẩn thỉu thế kia? Mấy chục năm trước tôi đi gặt thuê cho địa chủ, mặc
quần dài trắng, một tay vung liềm, một tay xách lồng họa mi, gặt lúa cả ngày,
chiếc quần của tôi vẫn trắng tinh.
Lời ông nội quả thật có chút cường điệu, nhưng kỹ thuật gặt lúa của
ông thì đúng là không chê vào đâu được, nhìn những khuôn mặt ngây độn
của họ khi nhìn ông tôi cắt lúa thì biết. Ông nội nói xong, ai nấy đều len lén
thở hắt ra.