Ông nội tôi biết đan lưới, biết đan lồng chim, biết bắt cá, bắt cua, lại
bắn chim rất tài. Ông là một nông dân có nhiều tài vặt. Sau này, công xã tiến
lên giai đoạn ăn tập thể, xem xã viên như các loài gia súc vục đầu vào chung
một máng, mọi người vật vã trong cuộc sống bán quân sự hóa, muốn ra chợ
cũng phải báo cáo với lãnh đạo công xã, con người không còn làm chủ thời
gian sinh hoạt của chính mình nên những nông dân tài hoa như ông nội tôi
cũng không còn xuất hiện nữa. Mấy năm gần đây, đất đai đã được phân đến
tận tay các hộ nông dân, cuộc sống của họ khá lên rất nhiều so với thời tôi
còn ở nông thôn. Tuy cuộc sống vẫn còn khổ lắm nhưng cá nhân con người
đã được khôi phục sự tự do tương đối, trí tuệ của người nông dân có cơ hội
được phát huy. Nếu ông nội tôi còn sống đến lúc này, nhất định ông sẽ cảm
thấy hạnh phúc vô cùng.
Trên thực tế, ai cũng biết chuyện xây dựng công xã nhân dân là không
thể thành công nhưng không ai dám nói ra. Thượng cấp thay đổi chính sách,
ngay lập tức đã giải quyết được chuyện ăn no, mặc ấm, nhà cửa cũng đã được
xây cất đàng hoàng hơn. Nắm trong tay một vùng đất phì nhiêu như vậy mà
lại đói trong một thời gian dài, chuyện này không biết là nên oán hận ai.
Ngày ấy, ông tôi chửi công xã nhân dân chỉ là một cái đuôi thỏ, không bao
giờ có thể dài ra và bị xem là một tội lớn, bây giờ mới thấy nó quá đúng.
Nói về quê hương, về nông thôn quả thực là có rất nhiều vấn đề để nói,
chẳng hạn như những nhận thức về chính trị của nông dân, vấn đề gia tộc, về
thời vụ, về thời tiết, về hoa màu cây cối, đất đai sông ngòi, gia cầm gia súc,
ruồi muỗi chấy rận, phong tục tập quán, lũ lụt hạn hán, chuyện lạ người kỳ…
Tất cả đều có thể trở thành những đề tài để viết thành những bộ tiểu thuyết
dài. Chỉ tiếc là số trang có hạn, đành lòng phải kết thúc bài viết chẳng ra ngô
cũng chẳng ra khoai này ở đây, mong độc giả hạ cố ghé mắt nhìn qua.
Tháng 6 - 1990