dương màu đen; là một kiểu rét đến độ nóng bức, nóng nực đến độ rét căm.
Tất cả những điều đó hoàn toàn phù hợp với tinh thần Lỗ Tấn.
Mỗi lần đọc “Đúc kiếm” tôi đều có cảm giác nhân vật áo đen chính là
hóa thân của Lỗ Tấn. Phong cách của Lỗ Tấn giống hoàn toàn với nhân vật
áo đen này. Những năm cuối đời, ngòi bút trong tay Lỗ Tấn chẳng khác nào
thanh hùng kiếm trong tay người áo đen, hữu hình nhưng vô hình, thô mà rất
sắc, giết người không thấy máu, chém người không để lại dấu vết. Những suy
tính trong quá trình báo thù của người áo đen chính là những phương pháp
mà Lỗ Tấn đã sử dụng để đấu tranh với kẻ thù.
Gần đây tôi có đọc một số tiểu thuyết kiếm hiệp và tôi cũng có những
suy nghĩ của riêng mình, nhưng cũng tiếc rằng tính cường điệu khoa trương
của chúng quá lớn khiến cho tính ngụ ngôn và tính tượng trưng của tiểu
thuyết mất đi khá nhiều. Văn tự và ngôn ngữ sẽ mất sức sống và giá trị thẩm
mỹ nếu người viết không biết sử dụng nghệ thuật khoa trương thế nào cho
vừa phải, do vậy tiểu thuyết chỉ còn có thể dựa vào sự ly kỳ của cốt truyện để
hấp dẫn độc giả mà thôi. Đề tài của “Đúc kiếm” có từ tiểu thuyết truyền kỳ
nhưng do Lỗ Tấn gửi gắm rất nhiều tình cảm vào trong đó nên có thể xem đó
là một sáng tác mới mà không phải là “Chuyện cũ viết lại”. Lúc nào tôi cũng
nghĩ đến vấn đề những tiểu thuyết nghiêm túc có thể học được những gì từ
tiểu thuyết kiếm hiệp, làm thế nào để tiếp thu những điểm mạnh khiến người
đọc bị hấp dẫn, từ đó hễ cầm sách lên là đọc một mạch cho đến hết. Có lẽ đây
chính là con đường rất thoáng cho tiểu thuyết hiện đại.
Mi Gian Xích chỉ cần nghe những yêu cầu của người áo đen là đã quả
cảm vung kiếm lên cắt đầu mình. Hành động này khiến tôi kinh sợ. Thằng
bé này sao lại tin tưởng một cách lạ lùng vào con người mới quen biết ấy
thế nhỉ? Kỳ thực, nhát kiếm này của Mi Gian Xích còn khó thực hiện hơn
với việc tự tay cầm kiếm đi báo thù rất nhiều lần. Lòng tin người khác của
cậu ta khiến đất trời cũng phải nức nở. Những tâm hồn phi thường vốn được
khoác bên ngoài một vẻ đần độn.