Trong thời kỳ tôi bị những cuốn “tiểu thuyết hồng” làm cho đầu
choáng mắt hoa, Faulkner thường nói với tôi: Anh bạn, cần xác định vĩnh
viễn một mục tiêu cao hơn so với năng lực của chính mình, không nên chỉ là
vượt qua người đồng thời với mình hoặc tiền nhân mà hao phí sức lực, hãy
tận lực siêu việt chính mình.
Khi tôi trông thấy sự thành đạt hoặc phát tài của người khác mà trong
lòng cảm thấy chua xót, Faulkner nói với tôi: Anh bạn, một nhà văn tốt vốn
không bao giờ nghĩ đến chuyện sáng tác để kiếm tiền. Anh ta chỉ nghĩ đến
sáng tác, không quan tâm bất cứ chuyện gì khác. Nếu không phải là nhà văn
của một thời, anh ta sẽ nói: Không có tự do về thời gian và kinh tế. Kỳ thực,
cảm hứng nghệ thuật có thể bắt nguồn từ một tay trộm vặt, một lão chủ quán
rượu hoặc một người đánh xe ngựa. Nếu chỉ chú tâm phát hiện những con
người này có thể chịu đựng được gian khổ và khốn cùng đến mức nào thôi sẽ
khiến người ta cảm thấy sợ hãi. Tôi nói cho anh bạn hay, cho dù như thế nào
cũng đừng bao giờ tiêu diệt thiên tính của một tác gia, điều duy nhất có thể
hủy diệt thiên tính của một tác gia chỉ có cái chết. Một nhà văn tốt không có
thời gian để chú tâm vào chuyện thành đạt hay phát tài.
Sau một thời gian dài tương giao với Faulkner, tôi cũng phát hiện ra
một số điểm yếu rất đáng yêu của ông già này, chẳng hạn như thích nói dóc.
Chưa hề là một người lính không quân nhưng ông ta lại bảo mình đã từng lái
máy bay tham gia vào những trận không chiến, trong đầu vẫn còn giữ một
mảnh đạn. Hơn thế nữa, Faulkner còn vỗ ngực tuyên dương mình mà không
hề có trách nhiệm gì về lời nói của mình, chẳng hạn như nói một nhà văn vì
sáng tác mà có thể đến cướp bóc ngay cả nhà của mẹ mình. Quan hệ giữa
Faulkner và Hemingway giống như quan hệ giữa hai đứa trẻ con, đánh nhau
rất dữ dằn nhưng xem ra chẳng có chất lượng gì. Cho dù là như vậy, càng
ngày tôi càng thích Faulkner, có lẽ là vì những khuyết điểm này của ông
khiến tôi không thể nào quên.