của Kafka, như sực tỉnh khỏi giấc mơ, chửi đổng: Mẹ nó chứ! Té ra có thể
viết tiểu thuyết như thế này sao?
Đây chính là một sự đốn ngộ đối với tiểu thuyết. Có thể nói, đây là
cách xử lý cuộc sống hoặc thế giới độc đáo trong sáng tác của Kafka, một
kiểu cảm thụ cuộc sống một cách siêu việt. Cứ cách một khoảng thời gian thì
xuất hiện một vài thiên tài có tuệ căn, từ trong sáng tác của Kafka sẽ có một
vài người nhận được khải thị, từ đó mọc lông cánh thành tiên. Dư Hoa chính
là người gặp được đại hạnh ấy.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một anh chàng khiến nhiều người
không vừa lòng lắm, là một “thiên tài tàn khốc”. Có lẽ cuộc sống sinh nhai với
tư cách là một nha sĩ đã bồi dưỡng và hun đúc nên cái thiên tính này, thúc đẩy
anh bài trừ toàn bộ những ý nghĩ có tính xác định bao hàm trong những sự vật
khách quan cũng giống như công việc nhổ răng vậy thôi. Nghe đâu khi còn
làm một nha sĩ, Dư Hoa đã từng làm như thế này: Nhổ sạch răng người ta, kể
cả răng đau lẫn răng không đau. Đây là một nha sĩ rất triệt để, sau khi chuyển
nghề lại biến thành một tiểu thuyết gia triệt để. Do vậy, trong những tác phẩm
của anh chỉ còn để lại những chiếc ghế nhổ răng máu huyết bầy nhầy hướng
về phía con người gào to lên rằng: Đã từng có ảo ảnh của những chiếc răng
tồn tại. Do vậy mà suy, có thể đưa ra một phán đoán: Nếu bảo anh ta vẽ một
cái cây, anh ta chỉ có thể vẽ được ảnh ngược của cái cây mà thôi.
Đương nhiên, cái mà tôi nắm bắt được cũng chỉ là ảo ảnh của anh ta.
Nguyên nhân nào đưa đẩy Dư Hoa trở thành một nhà văn như thế? Đây
là nhiệm vụ của những người viết truyện ký. Bây giờ tôi sẽ mở những trang
sách “Ra đi từ tuổi mười tám” của anh ta. Tôi không đủ sức để đọc hết những
trang sách dày cộp này, vả lại tôi cũng cho rằng, đối với một nhà văn không
nhất thiết phải đọc cho kỳ hết những tác phẩm của đồng nghiệp, cho dù tác
phẩm của họ có ưu tú đến mức độ nào.
Tôi sẽ phân tích những thành phần của giấc mộng trong cuốn sách này: