của tôi. Tôi không yêu cũng chẳng hận những gì tôi đã viết, nhưng sau đó
một thời gian khá dài, tôi cố gắng dùng cách thức cực đoan này để trấn áp
những tình cảm mà tôi đã dành cho quê hương lúc nào cũng thường trực
trong tâm hồn. Để cho sáng tác của mình có những phẩm chất đạo đức chính
trị cao thượng, tôi thường cho nhân vật chính của mình tay cầm “Lenin tuyển
tập”; để cho sáng tác của mình mang hơi hướng quý tộc, tôi buộc nhân vật
của mình ngày nào cũng dạo ba trăm khúc dương cầm… Viết loạn xị bát
nháo, cố làm cho ra vẻ phong nhã để được ăn một lát bánh mì theo kiểu Tây,
học cách đánh rắm theo kiểu Tây… Như con gái ngư dân thường có bàn chân
như chiếc quạt bồ đoàn, con trai mục dân chân thường khuỳnh theo hình chữ
bát, hai mươi tuổi tôi mới rời khỏi những mảnh đất cằn của vùng Đông Bắc
Cao Mật, cho dù tôi có hóa trang như thế nào cũng không thể rùng mình biến
thành một chàng công tử thành phố hào hoa phong nhã được, truyện của tôi
cho dù có được điểm trang không biết cơ man nào là vòng hoa, chúng cũng
chỉ là những truyện củ khoai. Kỳ thực, đồng thời với việc tôi cố sức ly khai
quê hương, tôi đã từng bước từng bước, không hề tự giác, dựa hẳn vào quê
hương. Đến mùa thu năm 1984, trong cuốn tiểu thuyết “Bạch cẩu thu thiên
giá”, tôi đã run run phất lên ngọn cờ Đông Bắc Cao Mật, bắt đầu từ đó mở ra
con đường sinh nhai theo kiểu vào nhà cướp của bằng văn học. “Vốn chỉ
muốn nhân lửa mà hôi của, không ngờ là biến giả thành chân”. Tôi trở thành
hoàng đế khai thiên lập địa trên lĩnh vực văn học về huyện Đông Bắc Cao
Mật, phát hiệu mệnh lệnh, khí thế núi lở băng tan, bảo ai chết người ấy phải
chết, cho ai sống người ấy tất sống, hưởng thụ được tất thảy những lạc thú
của cuộc đời. Nào là dương cầm, nào là bánh mì, nào là bom nguyên tử, nào
là giường mát-xa, nào là lưu manh côn đồ, nào là hoàng thân quốc thích, nào
là Tây giả quỷ quái, nào là giáo sĩ chân truyền… tất cả đều bị lôi về vùng đất
trồng cao lương của mình. Có một nhà văn đã nói: “Tiểu thuyết của Mạc
Ngôn đều xuất phát từ chiếc bao gai Đông Bắc Cao Mật rách tả tơi”. Bản ý
của nhà văn này là châm chọc nhưng tôi lại xem câu châm chọc này là một