ký ức về thời kỳ này là khắc sâu trong tâm khảm, còn những ký ức sau khi
thành niên thì lưu ở ngoài da. Kết quả trực tiếp nhất của một thời kỳ niên
thiếu bất hạnh chính là một tâm linh cong vẹo, một cảm giác dị dạng. Tất cả
sẽ dẫn đến những mộng cảnh kỳ hình dị tướng và một cách nhìn sợ hãi đối
với thế tục. Đó chính là bản ý trong thuyết “tâm hồn con trẻ” của Lý Trác
Ngô và thuyết “cái nôi” của Hemingway. Căn bản của vấn đề là: Tất cả
những điều này đều phát sinh tại cố hương; nội hàm khái niệm cố hương của
tôi giới hạn trong kinh nghiệm thời niên thiếu. Nếu thừa nhận sự dựa dẫm
của nhà văn vào những kinh nghiệm thời niên thiếu cũng có nghĩa là đã thừa
nhận sự dựa dẫm của họ vào cố hương.
Có một vài nhà phê bình đã đem tôi ra làm ví dụ, đã từng phân tích mối
quan hệ giữa sáng tác và thời niên thiếu của tôi, trong số ấy có Trình Đức Bồi
tiên sinh người Thượng Hải viết rất tiếp cận sự thực trong bài “Thế giới bị ký
ức vây bọc - Góc nhìn trẻ thơ trong sáng tác Mạc Ngôn”. Trình tiên sinh nói:
“Đây là một tinh linh du đãng có mối liên hệ bền chặt với quá khứ xa xăm, là
một sự quay về mặt tinh thần do vô số những cảm giác hỗ tương xung đột mà
hình thành nên, là một người bị những ký ức vây bọc”; “Tác giả thường dùng
cặp mắt hiện tại để phản ánh cuộc sống nông thôn trong quá khứ. Trong
những hình ảnh trùng trùng điệp điệp được tâm linh hóa, tác giả đã khôi phục
lại những hoan lạc và thống khổ của chính mình trong thời kỳ niên thiếu”.
Trình tiên sinh đã trực tiếp viện dẫn một đoạn của tôi trong truyện “Gió lớn”:
“Thời kỳ niên thiếu cũng giống như một cồn cát bị vùi lấp vì cỏ hoang trên
con đê ven sông, ông nội dùng đôi tay cứng cáp của mình đẩy vào nhục thân
của tôi, dùng những lời ca của ông đã thúc đẩy linh hồn tôi, rằng hãy đi thẳng
về phía trước”. Trình tiên sinh nói: “Tác phẩm của Mạc Ngôn thường viết về
cái đói và sự hủy diệt, điều này hoàn toàn không ngẫu nhiên. Đối với ký ức
con người, không nghi ngờ gì nữa, đây chính là những ám ảnh thời niên thiếu
lưu lại, đến một lúc nào đó những ám ảnh này được biểu hiện trong tác phẩm,
nó lại trở thành một hoàn cảnh, một sắc điệu không thể thiếu được”. Trình