M
ột buổi sáng mùa xuân năm 1988, tôi đang giam mình trong một căn
nhà kho ở Đông Bắc Cao Mật say sưa viết thì một ông già trông rất lam lũ
bước vào. Tên ông ta là Vương Văn Nghĩa, căn cứ theo vai vế thì tôi phải gọi
bằng chú. Tôi hoang mang đứng dậy, mời ngồi rồi đem thuốc lá ra mời. Chú
Vương hút thuốc, hỏi với giọng không vui:
- Nghe nói anh đã đem tôi viết vào sách, đúng không?
Tôi vội vàng giải thích, nhận lỗi rằng mình nhất thời hồ đồ, bây giờ đã
thay rồi v.v… Chú Vương hút xong điếu thuốc, đứng dậy ra về. Tôi ngồi
trước bàn trầm tư giây lâu. Đúng là tôi đã xây dựng nhân vật Vương Văn
Nghĩa trong truyện “Cao lương đỏ”, đương nhiên cũng đã có thay đổi ít
nhiều. Vương Văn Nghĩa đã từng tham gia Bát lộ quân, trong một trận chiến
đấu, vành tai bị thương, ông ta vứt khẩu súng, ôm lấy đầu chạy đến, vừa chạy
vừa khóc om sòm: “Đội trưởng, đội trưởng! Đầu tôi không còn nữa…”. Đội
trưởng đá ông ta một cú, nói: “Đồ trứng thối, không còn đầu mà còn nói được
à? Súng của ông đâu?”. Vương Văn Nghĩa nói: “Vất dưới chiến hào rồi!”.
Đội trưởng chửi mấy câu rồi vọt lên dưới làn mưa đạn, xách khẩu súng chạy
về. Đây chẳng qua là một truyện khôi hài mà người quê tôi kháo nhau cười
cho vui, Vương Văn Nghĩa cũng đã từng cho là chẳng có gì xấu hổ, khi
người ta cười chê ông ta nhát gan, ông ta cũng chỉ cười trừ.
Khi tôi viết “Cao lương đỏ”, tự nhiên tôi lại nghĩ đến Vương Văn
Nghĩa, nghĩ đến bộ dạng, giọng nói, nét mặt của ông ta cũng như những gì
ông ta đã từng trải qua trong chiến đấu như hiện ra trước mắt tôi. Tôi đã từng
có ý định đặt tên khác cho ông ta, có thể là Vương Tam hay Vương Tứ gì đó,
nhưng sau khi đổi tên, cái hình hài có thanh có sắc ấy bỗng biến đi đâu mất.
Điều đó cho thấy, trong một hoàn cảnh nào đó, cái tên không chỉ là một ký
hiệu mà là một bộ phận hợp thành của một sinh mệnh.