sử càng xa xưa thì khoảng cách với sự chân thực lịch sử càng lớn nhưng
khoảng cách với văn học càng gần. Do vậy mà “Sử ký” của Tư Mã Thiên về
căn bản không thể xem là một tác phẩm sử học chân chính. Trong quá trình
lưu truyền theo hình thức truyền khẩu, nhân vật và sự kiện lịch sử đã được
truyền kỳ hóa. Khi kể chuyện lịch sử, để hấp dẫn người nghe của mình,
người kể chuyện thường tra dầu thêm mỡ một cách không tự giác, từ đó mà
sau này, chim sẻ dễ dàng biến thành phượng hoàng, thỏ hoang cũng dần dần
biến thành kỳ lân. Lịch sử là do con người viết nên, anh hùng là do con người
tạo ra. Con người không bằng lòng với hiện thực thì hoài niệm quá khứ; con
người không bằng lòng với mình thì hoài niệm tổ tiên. Tiểu thuyết “Gia tộc
cao lương đỏ” của tôi đại khái thuộc vào loại này. Nói một cách thành thật, tổ
tiên của chúng tôi cũng chẳng khác gì chúng tôi, những ngày huy hoàng và
vinh quang ở trong ấy phần nhiều thuộc về lý tưởng, ước mơ. Lý tưởng hóa,
truyền kỳ hóa những con người và sự kiện gắn liền với quá khứ để trở thành
suối nguồn vô tận cho cảm hứng sáng tác của nhà văn là một điều rất bình
thường. Điều này có nghĩa là nhà văn đang lợi dụng quê hương, những mặt
khác, chính nhà văn lại bị quê hương lợi dụng. Truyền thuyết của quê hương
chính là chất liệu để nhà văn sáng tác, đến lượt mình, nhà văn lại là một tạo
vật của những truyền thuyết của quê hương.
10. Siêu việt cố hương
V
ẫn là Thomas Wolfe đã từng phát biểu: “Tôi đã phát hiện ra rằng, cách
thức để nhận chân ra diện mạo của quê hương chính là phải rời xa nó; cách
thức để tìm về quê hương là hãy tìm nó trong tâm hồn của chính mình, trong
đầu óc của chính mình, trong ký ức của chính mình, trong tinh thần của chính
mình và cuối cùng là đến một vùng quê khác để tìm quê hương” (Thomas
Wolfe - “Câu chuyện về một cuốn tiểu thuyết”).