khác nhau; cũng giống như cùng sử dụng một chiếc dương cầm độc tấu cùng
một khúc nhạc, nhưng dưới ngón tay của những người chơi đàn khác nhau sẽ
có những khúc nhạc khác nhau là không nghi ngờ gì nữa. Lời nói mà, không
nên nghi ngờ gì nữa, chẳng qua cũng chỉ là những lời thừa, càng ít nói càng
hay.
Tôi đã từng phong cho mình cái tư cách của một khán giả bình thường
để xem “Cao lương đỏ” của Trương Nghệ Mưu, cố gắng tránh chuyện đem bộ
phim ra so sánh với truyện của mình, tất nhiên là rất khó khăn.
Không nghi ngờ gì nữa, bộ phim “Cao lương đỏ” chính là một thành
công rực rỡ của Trương Nghệ Mưu, có thể nói là một thành công rực rỡ của
điện ảnh hiện đại Trung Quốc. Tôi hoàn toàn tin tưởng người xem sẽ tán
thưởng bộ phim này.
Nếu đứng ở lập trường của tác giả nguyên tác mà xét, đem cao lương
đỏ như một biển máu của tôi biến thành cao lương xanh là một điều thực sự
đáng tiếc, nhưng nếu đứng ở góc độ người xem mà nói, màu xanh bạt ngàn
của cao lương như một biển sóng dâng trào, đầy sức sống, đầy huyền diệu và
có một chút bí mật có thể khơi gợi ở tôi bao nhiêu là liên tưởng vượt ra ngoài
hình hài thực tế, do vậy tôi chỉ có thể ca tụng cao lương xanh mà thôi.
Mùa hè ở Cao Mật, tôi cưỡi xe đạp chạy ra ngoài đồng, trên địa bàn
thuộc huyện Giảo, tôi phát hiện ra một khoảnh cao lương xanh đang ngậm
đòng. Khoảnh cao lương này rộng đến vài trăm mẫu, bằng phẳng như một
tấm thảm xanh. Tôi đứng trên bờ đê, đúng lúc ấy, gió Tây Bắc nhẹ nhàng thổi
tới, sau lưng tôi lại là bờ sông lau lách um tùm, tiếng ếch nhái râm ran trong
mùa nước nổi, chim bay lượn vòng trên không trung hót vang. Thảm cao
lương bạt ngàn trước mắt tôi rùng rùng đuổi theo nhau dưới những làn gió
nhẹ, có khi đứng lại và múa những điệu luân vũ mềm mại đến tuyệt vời.
Những làn sóng xanh uốn lượn chạy dần về phía tôi và chạy thẳng vào tâm
hồn tôi. Cao lương đang múa, cao lương đang hát những lời ca nỉ non khiến