Đã từng vượt qua ba con sông tỉnh Hồ Nam, chân đã lê trên những con
đường của ba thành phố tỉnh Hồ Nam, trèo lên mấy ngọn núi của tỉnh Hồ
Nam, trên những chiếc xe khách lấm láp bụi đường phóng mắt ngắm nhìn đồi
núi nhấp nhô hòa với cỏ cây thành một khối, thiên biến vạn hóa, trầm mặc
ngạo nghễ chẳng khác nào mãnh hổ đang lim dim mơ màng. Thiên nhiên Hồ
Nam có những nét rất riêng, chất riêng ấy lặng lẽ như những đồ gốm cổ thô
ráp nặng nề, dâm dấp máu huyết người xưa, xán lạn huy hoàng pha mùi man
dã. Nghĩ nhiều về bao bậc phong lưu anh kiệt ra đi từ vùng Tam Tương này
để đến với đời, hú gió gọi mây, dời non lấp bể, dưới đôi chân đất bằng nổi
sóng, mà trong lòng không thể chế ngự được nỗi buồn phiền, không biết bây
giờ các bậc ấy đi về nơi đâu?
Khi đặt chân trên “Thập lý họa lang”, có vài cơn gió hiu hắt thổi đến,
những lỗ chân lông trên toàn thân như muốn nở bung ra. Nghe đâu trong
“hành lang được trang trí bằng tranh mười dặm” này có sông nhưng đi mãi
mà chẳng thấy sông đâu, có chăng là con mương nông choèn bên phải, chen
dày dưới đáy mương là những viên đá hình trứng ngỗng, bề mặt phủ một lớp
vôi trắng. Có lẽ đây chính là sông. Bên trái là vách đá sừng sững, những giọt
nước treo trên lá cỏ như những giọt nước mắt tí tách rơi xuống, một vài bạn
đồng hành đưa những chiếc lưỡi hồng hồng ra đón lấy những giọt lệ đá ấy.
Tôi bắt chước làm theo. Nước có vị mằn mặn và chất chứa bao nỗi buồn đau
của núi rừng. Ban đầu, chúng tôi phải dò dẫm từng bước khó khăn trên những
viên đá nằm ghép bên nhau chẳng theo một quy luật nào nên khi giẫm chân
trên đường bằng phẳng, dáng đi của chúng tôi vẫn chưa kịp trở lại bình
thường, nhìn dáng đi của người phía trước mà nhận ra dáng đi của chính
mình, không nín được đành cười lên thành tiếng, cổ họng khô khốc nên tiếng
cười phát ra cũng chẳng tròn trịa gì. Quả thật là phong cảnh trong khe núi đẹp
vô cùng, những đỉnh núi đột ngột nhô cao với đủ các hình thù kỳ dị, có lẽ
ngôn ngữ con người sẽ bất lực khi muốn miêu tả chúng. Người có trí tưởng
tượng đưa tay chỉ Đông chỉ Tây tha hồ ví von, nào là ngọn này nên gọi là Chó