nhưng đa phần chúng đều cạn khô đến trơ đáy, họa hoằn mới có những khúc
sông còn nước nhưng là một thứ nước đục ngầu những bùn. Cũng có chim
nhưng cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay và tôi nghĩ, những con chim này
cô độc ghê gớm, có con đang lững thững những bước chân nặng nề trên
đường, có con chấp chới trên trời và buông những tiếng kêu buồn da diết.
Không may làm sao, con đường rải nhựa rộng thênh thang lại xẻ vùng thảo
nguyên vốn chẳng rộng rãi cho lắm ra làm hai nửa, hai bên đường thi thoảng
cũng có một vài quán rượu tồi tàn với những chiếc đầu dê máu thịt bầy nhầy
vất lăn lóc trên sạp hàng trước quán, vẫy gọi những đàn ruồi bay vù vù như
ong vỡ tổ. Tìm ở đâu cho ra một thảo nguyên như trong mộng tưởng của tôi?
Người bạn Mãn Châu Lý nói: Đi qua phía bên kia mà xem, thảo nguyên bên
ấy có lẽ sẽ làm anh hài lòng!
Vượt qua biên giới, chiếc xe khách nghiêng nghiêng
vẹo vẹo chạy trên
con đường đất gồ ghề tiến thẳng vào địa phận nước Nga. Hai bên đường, thảm
cỏ xanh ngát, hoa dại đua chen rực rỡ khoe sắc. Trên vùng thảo nguyên ngút
ngàn tầm mắt, không có bóng dáng một gia súc nào và tất nhiên cũng chẳng
có bóng dáng một con người. Đêm qua có lẽ đã có một trận mưa lớn ập xuống
nên trên con đường đất, những vũng nước ngầu đục một màu vàng, con
mương hai bên đường nước ngập tràn bờ, không màu và trong suốt. Ở bên
phía chúng tôi thường không có mưa, trên thảo nguyên thường là khói bụi mù
mịt. Chỉ cách nhau một tuyến biên giới mà cả trời lẫn đất đều có những khác
biệt dị thường, đây là điều làm tôi kinh ngạc nhất. Tôi hỏi người bạn Mãn
Châu Lý ngồi bên: Việc này là thế nào? Anh bạn trả lời: Thảo nguyên của
chúng tôi bên ấy chăn thả gia súc quá nhiều nên quá tải, nó đã biến thành một
kiểu thảo nguyên già nua mỏi mệt. Ở bên này, trên thảo nguyên không quá
nhiều gia súc cho nên cỏ bời bời xanh ngăn ngắt và nhìn toàn cảnh là một
thảo nguyên tươi trẻ, khỏe mạnh và đầy sức sống. Tôi lại hỏi: Thế tại sao
chúng ta lại không nuôi ít gia súc? Anh bạn cười: Lẽ nào tôi lại phải trả lời