hộp đựng cà phê và mọi thứ khác có giá trị mà tôi sở hữu cho bà Maja
Karstensen, hàng xóm quý hóa của tôi”.
Dưới đáy chồng giấy có một tờ nhỏ, trống trơn, chỉ có một cái tên và
ngày tháng. Song nó làm tôi chết sững trong vài phút.
Sau đó, tôi để các giấy tờ còn lại vào chồng và chỉ mang tờ giấy kia đi.
Trở lại với bà Maja Karstensen, tôi hỏi bà có nhận ra cái tên trên mảnh giấy
không.
Bà suy nghĩ rất lâu và vất vả, cuối cùng bà nói không thể nhớ ra đã từng
gặp người này chưa, nhưng Arild có nhắc đến tên ông ta. Có thể là người
đã làm việc tại văn phòng Schelderup trong chiến tranh? Tôi gật đầu, cảm
ơn bà đã giúp đỡ và vội bỏ đi.
Tôi rất nóng lòng muốn có lời giải thích vì sao mảnh giấy chỉ viết vẻn
vẹn “Hans Herlofsen, 12 tháng Hai 1969” lại ở trong căn hộ của Arild
Bratberg quá cố. Nhưng tôi sẽ phải đợi vài giờ nữa để tìm ra. Lúc này đã là
2 giờ rưỡi, và tôi đã thỏa thuận gặp người phụ nữ đã đợi chuyến đến thăm
của tôi từ hai mươi tám năm nay vào lúc 3 giờ.
VI
Thoáng nhìn, Mona Varden trẻ hơn tôi nghĩ. Bà năm mươi hai tuổi,
nhưng trên ảnh rất dễ nhầm với một phụ nữ bốn mươi, với mái tóc đen và
nước da nhợt nhạt. Tuy vậy trên mặt và trong các động tác của bà có gì đó
nặng nề và nghiêm trang, đúng tuổi khi gặp bà ngoài đời. Bà hơi mỉm cười
khi trông thấy tôi. Tôi có cảm tưởng nhiều năm nay bà đã không cười, có lẽ
từ khi chiến tranh kết thúc. Bàn tay bà nặng nề và vững chãi, đặt trong tay
tôi một lát.
- Rất cảm ơn anh đã tới. Tôi rất cảm kích vì một cảnh sát trẻ tuổi như anh
lại muốn sửa đổi thái độ lơ là của các bậc tiền bối, mặc dù tôi hiểu rằng các
vụ án mạng mới đây đã khuấy động mối quan tâm tới cái chết của chồng
tôi.
Tôi không thể phủ nhận điều này. Vì thế tôi gật đầu thân thiện và cam
đoan với bà rằng tôi rất muốn làm sáng tỏ bí ẩn quanh cái chết của chồng
bà hồi đó.