Tôi ngước nhìn viên cảnh sát, nom anh ta xanh xao hơn thường lệ. Anh
ta đảo mắt và nói lẽ ra tôi chỉ nói có cần giúp gì không. Rồi anh ta bối rối
và rút lui thật nhanh.
Bức thư rõ ràng được viết bởi ai đó rất quen cách xếp chỗ và thực đơn tại
Lâu đài Schelderup. Cũng như có thể thấy, thư đóng dấu bưu điện vào ngày
trước khi xảy ra vụ giết người, ắt phải do một hung thủ tự tin đã lên kế
hoạch và chắc chắn về hậu quả. Tôi có đủ lý do để hiểu rất nghiêm túc rằng
lời cảnh báo sẽ có thêm các vị khách trong bữa tối cuối cùng của Magdalon
Schelderup có thể bị giết hại. Tôi ngồi suy nghĩ vài phút, phần về kẻ sát
nhân là ai, phần về tại sao hắn lại hợm hĩnh đến nỗi gửi cho cảnh sát thư
báo trước bằng văn bản.
Tôi chụp lại một bản sao bức thư và gửi nguyên bản đi xét nghiệm, song
không hy vọng nhiều lắm. Dù kẻ gửi thư này là ai đi nữa, hắn ta hoặc ả ta
cũng có thể để lại dấu vân tay hoặc các manh mối khác. Vì thế, tôi báo cáo
miệng với sếp rằng có vài người đã chứng kiến cái chết của Magdalon
Schelderup có thể bị đe dọa và đề nghị tăng ca tối nếu cần thiết.
Sau đó tôi gọi điện cho Magdalena Schelderup và báo tôi cần nói chuyện
với bà càng sớm càng tốt. Bà có vẻ không quá sốt sắng với chuyện này. Tôi
nghe thấy một tiếng “Ồ, không” khe khẽ lúc tôi hỏi bà có thể ghé vào đồn
cảnh sát không. Khi tôi gợi ý sẽ lái xe đến nhà bà, bà hỏi chúng tôi có thể
gặp nhau ở giữa chừng được không. Tôi chấp nhận và chúng tôi thỏa thuận
gặp ở hiệu cà phê trên đường Bogstad lúc 2 giờ 15 phút.
VII
Hiệu cà phê thật dễ chịu và cà phê rất ngon. Lúc chúng tôi ngồi trong
một góc, không bị làm phiền, mỗi người một cái bánh sôcôla, tôi thấy cảnh
vật xung quanh thích hợp hơn hẳn phòng làm việc tại Lâu đài Schelderup.
Nhưng vẻ mặt bà Magdalena Schelderup rõ ràng không thoải mái và bực
bội hơn hẳn so với cuộc thẩm vấn đầu tiên. Bà ngả về phía trước, gần như
tức giận ngay khi tôi bắt đầu hỏi về hoàn cảnh và lập trường của bà trong
thời chiến.