mê tín ấy. Chùa Trấn Quốc, chùa Bà Đá, những ngôi chùa nổi tiếng ở Hà
Nội phải yết biển "Không đem vàng mã vào chùa", thì rõ ràng là không ai
có thể đồng tình với thói mê tín, dị đoan này.
Hiện tại, người ta đã đi quá đà gây lãng phí lớn, có nhà giàu xổi, phất lên
nhanh, ngày rằm tháng bảy, đặt hàng mã cả xe máy Dream, tủ lạnh, ti vi
màu, hình nhân là mấy cô gái mặt hoa da phấn cho người chết dùng, tiêu
hàng triệu đồng, đốt đi không biết bao nhiêu giấy tốt. Có người đã nhẩm
tính, mỗi năm số giấy làm hàng mã bị đốt đi lên đến con số hàng chục,
hàng trăm tấn, trong khi các vùng xa còn thiếu đói, trẻ em không có giấy
viết để đến trường. Đó là một điều hiển nhiên vô lý, khó chấp nhận.
Gia đình nào mà chẳng có những người quá cố, dù mất đã lâu hay mới.
Gia đình nào cũng có bàn thờ với bát nhang nghi ngút. Công giáo nào cũng
có bàn thờ kiểu Công giáo. Tục thờ cúng tổ tiên rõ ràng là một nét đẹp, thể
hiện tâm hồn người Việt Nam coi trọng truyền thống văn hoá, tôn kính cội
nguồn. Rằm tháng bảy, cầu nguyện cho các linh hồn được siêu thoát cũng
vẫn là nét đẹp. Nó cũng như đi thanh minh hay tảo mộ, ngày giỗ thắp
hương để con cháu nhớ đến ông bà.
Chỉ riêng chuyện lấy ngày này làm cái cớ mà thực hiện hành động mê tín
như gọi hồn, gọi rí, đốt vàng mã vô tội vạ... thì không còn là lĩnh vực tâm
linh nữa mà đã trở thành mê tín, dị đoan, cần được chỉnh sửa.
Văn hoá vốn rất đa dạng, có vật thể và phi vật thể. Chúng ta cũng luôn
tôn trọng mọi tín ngưỡng khác nhau. Nhưng sống trong thời đại khoa học
kỹ thuật, khó mà chấp nhận những điều phi lí nhân danh tâm linh được.
Đứng về khía cạnh kinh tế cũng vậy, gia đình còn thiếu thốn nhiều thứ, xã
hội còn phải tiết kiệm, bỗng dưng đốt đi bao nhiêu tiền của, giấy má đáng
quí cũng khó mà đồng tình cho được.
Một nén nhang, một bông hoa nhớ đến người xưa, đó chính là văn
hoá, là điều chúng tôi hằng tâm niệm về cội nguồn, về quá khứ về
những công đức sinh thành ra ta và cả giống nòi này. Vì vậy mà càng
cần dẹp bỏ điều mê tín không đẹp, không phù hợp nữa.