Langdon với lấy một chiếc tai nghe, nhưng cô gái xua tay, đối chiếu thẻ
ghi tên ông với bản danh sách quan khách dài dằng dặc, rồi trao cho ông một
chiếc tai nghe có số hiệu khớp với tên của ông. “Hành trình tối nay được
thiết kế riêng cho từng vị khách một.”
Thật sao? Langdon nhìn quanh. Có đến cả mấy trăm khách khứa.
Langdon nhìn chiếc tai nghe, không có gì hơn ngoài một cái vòng kim
loại thanh thoát với mấy miếng mút nhỏ xíu ở mỗi đầu. Có lẽ nhìn thấy vẻ
mặt bối rối của ông, cô gái bước tới để hỗ trợ.
“Đây là đồ rất mới,” cô nói, giúp ông đeo thiết bị lên. “Mấy miếng mút
biến năng không để nhét vào bên trong tai ngài, mà đặt lên mặt ngài cơ.” Cô
chỉnh cái vòng ra phía sau đầu ông và đặt mấy miếng mút kẹp nhẹ lên mặt
ông, ngay phía trên xương hàm và dưới thái dương.
“Nhưng làm cách nào…”
“Công nghệ truyền dẫn xương. Các thiết bị biến năng đưa âm thanh trực
tiếp vào xương hàm của ngài, cho phép âm thanh vào thẳng ốc tai ngài. Tôi
đã thử rồi, và thật sự rất tuyệt vời – giống như có giọng nói ngay trong đầu
ngài vậy. Hơn nữa, nó giúp tai ngài được tự do để nghe các cuộc trò chuyện
bên ngoài.”
“Rất thông minh.”
“Công nghệ này do ngài Kirsch phát minh hơn 10 năm trước. Giờ nó khá
sẵn trong rất nhiều thương hiệu tai nghe tiêu dùng.”
Mình hy vọng Ludwig van Beethoven bỏ qua, Langdon nghĩ bụng, cảm
thấy khá chắc chắn rằng người sáng chế nguyên khai ra công nghệ truyền
dẫn xương chính là nhà soạn nhạc thế kỷ XVIII, mà do bị điếc nên đã phát
hiện ra ông có thể gắn một cần kim loại vào đàn dương cầm của mình và cắn
chặt lấy nó trong lúc chơi đàn, giúp ông nghe được rất rõ ràng thông qua độ
rung động ở xương hàm.
“Chúng tôi hy vọng ngài thích trải nghiệm chuyến tham quan của mình,”
cô gái nói. “Ngài có khoảng một giờ trước màn thuyết trình để khám phá
bảo tàng. Hướng dẫn âm thanh của ngài sẽ thông báo với ngài khi đến giờ
lên gác tới thính phòng.”