“Tôi đã có quyết định của mình,” al-Fadl nói. “Chúng ta không thể ngồi
yên. Chúng ta cần kiểm soát tình hình này. Ai cũng rõ là Kirsch rất coi
thường tôn giáo và anh ta sẽ trình bày phát hiện của mình theo cách gây hại
hết mức cho tương lai của niềm tin. Chúng ta phải chủ động thôi. Chúng ta
phải đích thân công bố phát hiện của anh ta. Ngay lập tức. Chúng ta phải soi
rọi nó bằng thứ ánh sáng phù hợp để làm nhẹ bớt tác động và khiến cho nó
bớt hăm dọa các tín đồ trong thế giới tinh thần.”
“Tôi nhận ra là chúng ta thảo luận chuyện công bố,” Valdespino nói,
“nhưng rất tiếc, tôi không sao hình dung được ta phải trình bày thông tin này
mà không gây hăm dọa như thế nào.” Ông thở dài thườn thượt. “Lại còn vấn
đề chúng ta đã thề với Kirsch rằng chúng ta sẽ giữ bí mật cho anh ta.”
“Phải,” al-Fadl nói, “và tôi cũng thấy mâu thuẫn trong chuyện vi phạm lời
thề ấy, nhưng tôi cảm thấy chúng ta phải chọn phưong án bớt tệ hại hơn và
hành động nhân danh điều tốt đẹp hơn. Tất cả chúng ta đều bị công kích –
Hồi giáo, Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Ấn giáo, mọi tôn giáo - và cứ nghĩ
đến những tín điều của chúng ta đều đồng quy trên những chân lý cơ bản mà
Kirsch đang hủy hoại, chúng ta có nghĩa vụ nói ra vấn đề này theo cách
không làm tổn hại các cộng đồng của mình.”
“Tôi e rằng không có cách nào làm được vậy,” Valdespino nói. “Nếu
chúng ta có ý định công bố cái tin của Kirsch thì cách khả dĩ duy nhất là tạo
ra nghi ngờ đối với phát hiện của anh ta – khiến anh ta mất uy tín trước khi
anh ta có thể tiết lộ thông điệp của mình.”
“Edmond Kirsch ư?” al-Fadl băn khoăn. “Một nhà khoa học xuất chúng
chưa bao giờ sai lầm về bất kỳ chuyện gì ư? Tất cả chúng ta đều có mặt
trong cuộc gặp với Kirsch phải không? Phần thuyết trình của anh ta rất
thuyết phục.”
Valdespino làu bàu. “Cũng chẳng thuyết phục hơn những thuyết trình của
Galileo, Bruno hay Copernicus lúc sinh thời đâu. Các tôn giáo trước đây đều
từng gặp khó khăn rồi. Lần này chỉ là khoa học đập cửa chúng ta một lần
nữa thôi mà.”