a) Các lí thuyết danh xưng học
Những kiến giải về các lí thuyết này sẽ biện luận cho kết luận của
chúng dưới tiêu đề do tôi đưa ra.
Ngay từ Garcilaso del Vega, một hậu duệ người Ilka thuộc Bồ Đào
Nha, người trong thế kỉ XVII đã viết lịch sử dân tộc mình cũng cần qui
những điều liên quan đến các hiện tượng totem giáo vốn quen thuộc với
ông về nhu cầu của các dòng họ là được phân biệt với với nhau bằng tên
gọi. Một ý kiến tương tự lại xuất hiện sau đó mấy thế kỷ ở A. K. Keane
trong dân tộc học: Vật tổ chắc là ra đời trước kia từ "kí hiệu biểu trưng"
(heraldic badges/ Wappenabzeichen), mà thông qua đó các cá nhân, gia
đình và dòng tộc muốn được phân biệt với nhau".
Max Muller bày tỏ một cách nhìn tương tự về ý nghĩa của totem
trong tác phẩm Contributions to the Science of Mythology. Một vật tổ
(totem) chắc là: 1. phù hiệu của dòng họ (Clan), 2. tên dòng họ, 3. tên của
tổ tiên dòng họ, 4. tên của đối tượng được dòng họ suy tôn. Sau đó J. Pikler
năm 1899 cho rằng: Con người cần một cái tên hiện hữu, có hình thức chữ
viết cho các cộng đồng và cá nhân… Vậy là totem giáo không phải bắt
nguồn từ nhu cầu thường ngày có tính tôn giáo, mà là có tính thông thường
(nuchtern) của loài người. Hạt nhân của totem giáo - sự định danh - là một
hậu quả của kĩ thuật văn tự nguyên thuỷ. Bản tính của vật tổ cũng chính là
đặc tính chữ viết dễ thể hiện. Một khi người dã man mang tên gọi của một
con vật, thì họ cũng phái sinh ra từ đó ý tưởng về quan hệ họ hàng với con
vật đó. Herbert Spencer xác định vai trò quyết định của việc đặt tên đối với
sự xuất hiện của Totem giáo. Ông dẫn giải rằng các cá nhân riêng biệt chắc
nảy sinh nhu cầu được đặt tên theo giống vật, và chắc do vậy mà ra đời các
tên thuỵ và tên hiệu là những loại tên gọi được tiếp tục ở các thế hệ nối
tiếp. Do tính không chính xác và không dễ hiểu của các ngôn ngữ nguyên
thuỷ cho nên những tên gọi đó đã được các thế hệ hậu sinh thâu nhận như
là một chứng chỉ về nguồn gốc từ chính loài vật đó. Vậy là totem giáo tỏ ra
là một sự xưng tụng tổ tiên một cách nhầm lẫn.