vốn bị cấm xúc phạm ấy, theo Frazer, có thể tìm thấy ở người Bini miền
Tây Phi trong liên hệ với nghi lễ mai táng của các bộ tộc đó.
Nhưng chúng tôi chỉ muốn theo quan điểm của Robertson Smith
cho rằng việc giết thịt thần bí và cắn xé tập thể con vật tổ vốn vị cấm chắc
đã từng là một đặc trưng vô cùng quan trọng của tôn giáo Totem.
Chúng ta giờ đây hãy hình dung toàn cảnh của bữa tiệc vật tổ và
gắn thêm cho nó một vài đặc trưng khả dĩ nữa mà cho đến tận ngày nay vẫn
chưa được đánh giá xứng đáng. Bộ tộc giết thịt vật tổ theo một cách thức
tàn bạo trong dịp lễ hội và cắn xé nó ra, nào máu, nào thịt và xương xẩu,
trong đó các thành viên của bộ tộc đều đồng nhất hoá mình với nó, đều bắt
chước (imitieren) tiếng kêu và vận động của nó, làm như là muốn nhấn
mạnh tính đồng nhất của họ và của vật tổ với nhau. Người ta hoàn toàn có ý
thức ở chỗ người ta diễn một hành động vốn bị cấm đối với từng người và
chỉ có thể biện hộ bằng sự can dự tập thể; không ai được phép đứng ngoài
việc giết và ăn cỗ cúng đó. Sau khi hành động, con vật bị giết đó được than
khóc và bị tố cáo. Cáo trạng về con vật bị giết là một cách có tính cưỡng
bức ép buộc bởi nỗi sợ hãi trước sự báo thù. Mục đích chính của hành động
này, như Robertson Smith đã nhận biết khi suy luận, là thoái thác trách
nhiệm của mình về việc giết vật tổ.
Thế nhưng sau tang thương lại là một niềm vui tột đỉnh, là sự cởi
trói mọi dục vọng và thoả mãn mọi ước muốn. Việc quan sát thiết chế lễ
hội ở đây đối với chúng ta không hề khó nhọc gì.
Một cuộc hội là một sự thái quá cho phép, hơn nữa là một sự vượt
rào cấm, một sự đột phá hân hoan một điều cấm. Không phải là do con
người vui vẻ nhất trí với nhau nhờ vào một điều khoản qui ước nào đó mà
họ đi đến vượt rào, mà sự thái quá nằm ở ngay trong thiết chế của cuộc hội;
sự nhất trí hân hoan được sinh ra bởi sự cởi bỏ của điều cấm.
Đánh giá như thế nào về niềm vui sướng hội hè, về nỗi xót thương
đối với con vật tổ? Nếu như người ta hoan hỉ về việc giết chết vật tổ là việc
vốn bị cấm, thì tại sao người ta lại còn xót thương nó?