Hai vấn đề cốt lõi làm thành tiêu đề của cuốn sách này - Vật tổ và
cấm kị - sẽ không được đề cập đến theo cách thức như nhau. Sự phân tích
về cấm kị được diễn giải xuyên suốt như một giải pháp triệt để cho vấn đề
đó. Nghiên cứu về Totem giáo lại nhằm làm sáng tỏ rằng nó có thể đem đến
cách nhìn phân tâm học để giải thích các vấn đề Totem luận hiện nay. Sự
khác biệt đó phụ thuộc vào chỗ, cấm kị vẫn tiếp tục tồn tại thực sự trong
tâm điểm của chúng ta; dù nó có bị nhìn nhận một cách tiêu cực và gán cho
những nội dung khác, thì theo bản chất tâm lí học nó vẫn không phải cái gì
khác hơn là "khái niệm cưỡng chế" (kategorischer Imperativ) của E. Kant,
cái muốn tác động kiểu cưỡng chế và từ chối mọi động cơ có ý thức. Totem
giáo trái lại là một thiết chế tôn giáo-xã hội mà theo cảm giác của chúng ta
không còn xa lạ gì nữa, nó đã được hình thành từ lâu trong thực tế và luôn
luôn đổi mới về hình thức, chỉ để lại những dấu tích ít ỏi trong tôn giáo,
nghi lễ và tập quán trong cuộc sống của các dân tộc có văn hóa ngày nay,
và nó phải tự phát hiện ra trong các dân tộc những biến chuyển to lớn tiếp
tục chi phối nó. Những tiến bộ về xã hội và kĩ thuật trong lịch sử loài người
chỉ có thể làm cho cấm kị yếu đi rất ít, hơn là cho vật tổ. Cuốn sách này thử
giải mã ý nghĩa nguyên thủy của Totem giáo từ những dấu tích hồn nhiên,
những hàm chỉ (Andeutung) mà trong đó nó tái xuất hiện trong quá trình
phát triển của con cái chúng ta. Mối liên quan khăng khít giữa vật tổ và
cấm kị mở ra những con đường tiếp theo cho giả thuyết đặt ra ở đây, và nếu
cuối cùng nó không bị loại bỏ, thì nó cũng không gây trở ngại nào cho khả
năng có thể hoặc ít hoặc nhiều gắn với thực tế vốn đầy khó khăn trong lúc
phục nguyên.
S. Freud, Rom, 9.1913
Created by AM Word2CHM