Chương I. NỖI XẤU HỔ LOẠN LUÂN
NGUỒN GỐC CỦA VĂN HÓA VÀ TÔN GIÁO
Con người được chúng ta biết đến trong các công trình nghiên cứu
sự phát triển đã qua, thông qua những kỉ vật và công cụ đã chết mà nó lưu
lại cho chúng ta, thông qua môn học về nghệ thuật, tôn giáo và thế giới
quan của nó, những cái mà chúng ta đã gìn giữ hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp
trên con đường truyền thống, trong lời nói, huyền thoại và cổ tích, thông
qua những tàn dư của lối tư duy còn hàm chứa trong nghi lễ và thói quen
riêng của chúng ta. Ngoài ra nó còn chứa đựng ngay trong những người
đương thời với chúng ta; vẫn còn những con người khiến chúng ta tin rằng
họ còn rất gần gũi với người nguyên thủy hơn là với chúng ta, từ đó ta nhận
ra tổ tiên và đại diện trực tiếp của con người tiền sử. Chúng ta phán xét như
vậy về các bộ tộc hoang dã và nửa hoang dã mà cuộc sống tinh thần của họ
sẽ gây cho chúng ta một mối quan tâm đặc biệt, nếu như trong đó chúng ta
có thể khám phá bước đầu tiên còn lưu lại trong sự phát triển của mình.
Nếu như điều kiện trên đây được đáp ứng, thì sự so sánh của "tâm lí
học về các dân tộc tự nhiên", như môn dân tộc học thường dạy, với tâm lí
học về người bệnh tâm thần vốn trở nên quen thuộc qua tâm phân học, sẽ
phải chứng minh vô vàn những tương đồng, và sẽ cho phép chúng ta nhìn
nhận những cái vốn dĩ quen thuộc dưới một ánh sáng mới.
Bởi những lí do bên trong cũng như bên ngoài tôi lựa chọn trong so
sánh của mình những nguồn gốc bộ tộc mà các nhà nhân chủng học xếp
vào diện dã man lạc hậu và đói rách nhất, là cư dân bản địa của tân châu lục
Australia còn bảo lưu được trong hệ động vật của nó nhiều dấu tích tiền sử
chưa bị diệt vong như ở bất kì nơi nào khác.
Những thổ dân Australia được xem là một giống đặc biệt không hề
cho thấy họ có họ hàng gì về vật lí cũng như ngôn ngữ với láng giềng của
họ là các dân tộc Melanesia, Polynesia và Malaisia. Họ không hề xây nhà