đủ sức ăn cắp trụ đồng cả. Còn một dân tộc mà muốn cướp trụ đồng thì mấy
mươi tên lính quèn làm sao đủ sức đương cự?
Đó chỉ là những chuyên viên khai mỏ. Mã Viện sợ dân Chàm, kém kỹ
thuật rồi lãng phí thứ kim loại quý ấy. Bọn Tàu ở lại, không cần dựa quyền
thế nào, chỉ xin làm công cho chủ mỏ người bổn xứ là đủ cho Mã Viện rồi.
(Về nơi chôn trụ đồng Mã Viện, có hàng trăm cổ thư nói đến, mỗi quyển
mỗi nói khác nhau, ta đọc xong bao nhiêu quyển sách đó là gần hóa điên
rồi. Nhưng chắc chắn là Mã Viện đã trồng trụ đồng ở đây, để kỷ niệm cái
nơi cuối cùng mà y đi tới, không thể nào khác hơn được).
Còn huyền thoại của ta về câu dọa nạt mà Mã Viện khắc trên trụ đồng, thì
là láo khoét: “Trụ đồng mà gãy thì dân Giao Chỉ sẽ bị tiêu diệt”. Dân Giao
Chỉ đâu có mặt tại Cực Nam Nhựt Nam, nơi mà hơn một trăm năm sau,
người Chàm dựng nước Lâm Ấp? Nếu y có dọa nạt ai thì kẻ bị dọa nạt là
người Chàm ấy chớ sao lại là ta được. Làm như là trụ đó trồng ở biên giới
Việt Hoa vậy?
Sử Tàu không hề cắt nghĩa tại sao họ không thừa dịp đó để cướp luôn
nước Tây Đồ Di. Họ thấy rằng để như vậy có lợi hơn là cướp, vì họ quá cần
đơn sa, mà hễ cướp nước người ta, thì việc buôn bán có thể bị đình trệ vì
những cuộc nổi loạn về sau.
Nhưng còn một điều nầy, cũng cần nói rõ ra, là 1932, ông J. Y. Claeys
được Viện Viễn Đông Bác Cổ phái xuống Cù Lao Chàm để khảo cổ, ông
không tìm thấy nơi đó có một vết tích Chàm nhỏ lớn nào cả, qua các thời
đại cổ, trung cổ và cận kim (B.E.F.E.O, 1933).
Thế nghĩa là người Chàm chỉ ra đó lấy đơn sa về bán mà không có ở đó.
Cắt nghĩa như vậy thì cũng ổn, nhưng tại sao cả Tàu lẫn ta đều đặt ra một
địa danh như vậy: Cù Lao Chàm?