danh từ thường là Indonésien.
Chính sự lầm lẫn hai nghĩa của độc một danh từ đã làm chậm trễ công
việc tìm tòi về nguồn gốc của dân tộc ta.
Ta thuộc chủng Mã Lai mà không ai dè, kể cả các nhà khảo cứu về nền
văn minh Đông Sơn.
Và Mã Lai chủng, cũng không ai dè, là phát tích ở HiMalaya và di cư từ
Hoa Bắc, cứ ngỡ là họ phát tích tại Nam Dương.
Không dùng ba khoa học mà chúng tôi dùng, không làm sao mà biết sự
thật đó được cả. Trước quyển sách nầy thiên hạ đã thoáng thấy sự thật rất
đông đảo, nhưng không nối kết lại bao nhiêu sự thoáng thấy lại thành một
hệ thống vững vàng được, nên không ai dám quả quyết cái gì cả.
*
* *
Cũng như bao nhiêu nhà trí thức khác, giáo sư Trần Ngọc Ninh đã chê
khoa khảo cổ hẹp hòi, không cho biết được đời sống tinh thần của cổ dân.
Giáo sư Trần Ngọc Ninh chỉ nói đúng có một phần mười.
Sự thật công cuộc đào bới ở Bắc Việt còn quá nghèo nàn, mặc dầu công
việc ấy đã được bắt đầu từ đầu thế kỷ nầy.
Tại sao vậy? Là tại không có tiền. Chánh phủ Đông Dương cũ bố thí cho
nó quá ít tiền, còn chánh quyền miền Bắc ngày nay tuy có nỗ lực bằng sự
tận tâm của các nhà tiền sử học, chớ cũng không bằng tiền, trong khi chỉ có
tiền mới làm việc được.
Thế thì không phải là khoa khảo tiền sử dở, mà chính là con người dùng
khoa ấy chưa đúng mức.