Sự kiện xảy ra ở nước ta, khác quá xa ở Ai Cập, mà các nước giàu có đổ
tiền ra để làm việc cho cái quốc gia tốt phúc đó. Thế nên họ thấy rõ cả lòng
đất sâu của Ai Cập.
Quyển sách của chúng tôi chỉ là cái sườn, vì chúng tôi mù tịt về thời tân
thạch của ta. Ta nhảy vọt từ cái lưỡi rìu tay cầm bằng đá mài đến thời đại
đồng pha, giữa hai giai đoạn ấy, hai ngàn năm lịch sử không được biết.
Nhưng cũng tại rủi ro của dân tộc phần nào. Cứ vài trăm năm thì Bắc
Việt bị lụt to một lần, mà mỗi lần lụt to như vậy thì phù sa bồi thêm mặt đất
một lớp dày có khi và có nơi đến bốn thước tây. Như vậy dấu vết của vua
Hùng Vương thứ I, chắc phải là ở dưới một lớp đất sâu 70 thước, và chắc
không bao giờ xuất hiện cả đâu.
Dân ta tới Cổ Việt với cái lưỡi rìu tay cầm bằng đá mài rồi tiến ra sao,
qua bao nhiêu lần dò để đi đến lưỡi rìu tay cầm bằng đồng pha thì ta hoàn
toàn bí, mà ta bí nhưng không phải vì khoa khảo tiền sử kém khả năng mà
vì ngân sách không có tiền để nhờ một ê kíp khảo tiền sử lỗi lạc làm việc
với đầy đủ của mọi phương tiện.
Ta chỉ biết có ngôi mộ Việt Khê với chiếc hòm (săng) bằng gỗ khoét ruột,
nhưng trước đó ta chôn cất thế nào? Không như ở Ai Cập mà họ biết cả
từng giai đoạn biến chuyển, ban đầu dân Ai Cập rào xác bằng rào cây đan,
kế đó là hòm bằng đất sét, rồi hòm bằng đất nung, sau rốt mới tới hòm gỗ.
Vật tổ của ta, còn ở trong vòng tranh luận, và những gì chúng tôi viết ra ở
chương vật tổ chỉ là tranh luận, chớ chưa chắc đã là sự thật. Nhưng ở Ai
Cập thì người ta biết sự thật, bởi trước khi có hình khắc chạm, đã phải có
hình thô sơ hơn bằng đá, bằng gỗ mà ta chưa tìm được nhưng các ông Tây
đã tìm được ở Ai Cập những “dự thảo” thô sơ đó, xác nhận hình khắc chạm,
không ai hiểu tầm ruồng được rằng vật tổ của ta là chim. Nhưng ta chưa tìm
được con nai bằng đất nung, bằng gỗ cả.