Năm 1923, ông L. Aurousseau, giáo sư Hán văn, đã viết: “Lịch sử của
nguồn gốc dân tộc Việt Nam, còn phải viết. Nếu những gì xảy ra sau cuộc
chinh phục của Lộ Bác Đức vào năm 111 T.K. có thể dễ dàng sắp xếp, thì
trái lại cho tới nay (1923) chưa có công trình nghiên cứu nào về những việc
xảy ra trước đó, được thực hiện với tinh thần có tính cách phê phán (Aucun
travail critique n’a été effectué).
Và ông L. Aurousseau bắt đầu, ngay sau câu đó. Than ôi, chỉ là hoài
công, bởi mặc dầu ông làm công việc ấy với tài liệu lạ của Trung Hoa mà
các sử gia ta chưa đọc vào năm đó, nhưng có đủ đâu nào. Ông chỉ hơn các
sử gia ta ở cái chỗ có nghĩ đến, và có làm việc cho thượng cổ sử Việt Nam,
nhưng sự thành công rất ít vì mặc dầu chúng tôi khen các ông Tây đọc sử
Tàu nhiều hơn ta nhưng quả thật họ vẫn đọc chưa đủ.
Hơn thế, sử Tàu lại mơ hồ và xuôi ngược, rất khó dùng nó để tìm ra một
sự thật chắc chắn.
Nói về một nước kia, Sử ký của Tư Mã Thiên gọi là Âu Lạc, Hàn thư của
Ban Cố gọi là Tây Âu, rồi ông H. Maspéro lại hiểu lầm chữ nho, tân tạo ra
một danh xưng mới nữa là Tây Âu Lạc thì tưởng cũng khó biết đích xác cái
nước đó tên thật là gì lắm thay, và nhứt là khó biết vị trí của nó lắm thay!
Ông L. Aurousseau, chắc có ý ám chỉ ông H. Maspéro hơn là ám chỉ các
sử gia ta là những người chưa khảo cứu gì cho thượng cổ sử Việt Nam cả
vào năm đó, mà chỉ chép lại truyền thuyết dân gian mà thôi. Ông H.
Maspéro đã bắt đầu từ năm 1918 nhưng xem ra thì cái tinh thần có tánh
cách phê phán của ông L. Aurousseau lại kém hơn của ông H. Maspéro.
Và chính ông L. Aurousseau lại đã làm cho rối nùi thêm những gì xảy ra
sau năm 114 T.K. mà ông cho là dễ dàng sắp xếp.
Sự thật thì đoạn sử sau Lô Bắc Đức vốn đã rối bòng bong rồi lại bị ông
làm rối thêm cái nữa thì chẳng còn ai biết đường đâu mà mò nữa.