Nhưng dầu sao ta cũng phải nhìn nhận rằng những ông H. Maspéro và L.
Aurousseau đọc cổ sử Trung Hoa nhiều hơn và kỹ hơn các sử gia từ xưa
đến thời của các ông và phải nhìn nhận rằng các ông có sáng kiến nghĩ đến
công việc tìm nguồn quan trọng đó.
Sử Tàu thiếu sót, mơ hồ và bí hiểm, lắm câu các ông Nghè của ta cũng
không hiểu thì các ông Tây làm thế nào mà hiểu được.
Thế nên cả hai ông Tây có công lớn là ông L. Aurousseau và ông H.
Maspéro đều sa lầy trong cái đầm cổ sử Trung Hoa, không thoát được mà
cũng không giúp chúng ta thoáng thấy được sự thật nào đáng kể.
Cuộc sa lầy thứ nhì, xảy ra từ năm 1920, kể từ biến cố Đông Sơn, biến cố
ấy lại là một vũng lầy thứ nhì nó làm cho các nhà bác học Âu Á mất đến 50
năm mà cũng chẳng biết được gì hết.
Năm 1920, những cuộc phát kiến ngẫu nhiên của dân chúng ở Đông Sơn
tỉnh Thanh Hóa bỗng làm cho các nhà bác học Pháp chú ý đến. Ở đó có
nhiều cổ vật lạ lùng bằng đồng thau, không giống của ta hay của Tàu gì hết.
Mấy năm sau, vùng Đông Sơn được xem xét kỹ và từ năm 1925 đến năm
1970, nhiều cuộc khai quật kế tiếp nhau, ở các lưu vực những con sông
Nhật Lệ, sông Gianh, sông Cả, sông Mã, sông Đà, sông Nhị, sông Đáy, đã
cho giới khảo cứu thu lượm được vô số cổ vật bằng đồng pha.
Nghiên cứu sơ khởi cổ mộ Đông Sơn, người ta thấy người chết có đồ tùy
táng nhứt là trống bằng đồng thau khá rực rỡ. Đó là người thời xưa được
chôn trước hai bà Trưng năm 32 năm, và cái thời xưa ấy, được định tuổi thật
đích xác là 1915 tuổi, tính đến năm 1924.
Tuy nhiên, vẫn chưa chắc lắm là người dưới mồ lại là người bổn xứ, theo
khoa học thì phải dè dặt như vậy, bởi họ có thể là chiến sĩ của nước ngoài,
thua trận chạy sang xứ ta rồi bỏ mình vì chết bịnh hay tử thương trễ muộn.