Tóm lại trào Chu ban đầu bận diệt Khuyển Nhung, nhưng khi thiên đô về
hướng Đông rồi thì suy luôn, trong khi đó thì ở phương Đông, Tề lại hưng
thịnh lên.
Mà Tề hưng thịnh vì thừa hưởng nỗ lực của dân chúng, tác giả của đồ
gốm Long Sơn đời Chu, chớ không phải chỉ nhờ tài của Quảng Di Ngô như
sử đã chép.
Nhà Chu nỗ lực kinh hồn nhưng không diệt nổi Khuyển Nhung. Tổ nhà
Chu được nhà Thương phong ở đất Kiểu để thực thi cái sứ mạng đó, nhưng
vì nhờ trọng võ để mà chinh chiến nên Chu mới trở lại diệt Thương, kẻ đã
phong mình, nhưng cứ thất bại với Khuyển Nhung (công trình đó về sau,
lâu lắm, chư hầu Tần mới làm xong, và Tần là Tàu, kế nghiệp cho Chu để
diệt Khuyển Nhung ở đó chớ không phải Tần là Khuyển Nhung, như giáo
sư Kim Định đã viết).
Sử Tàu chép rằng khi Chu thiên đô về hướng Đông thì chư hầu Tần hộ
tống, còn giáo sư Kim Định thì viết rằng Khuyển Nhung hộ tống và chính
Tần là Khuyển Nhung. Ông viết như vậy sau khi ở hàng trên ông viết rằng
vua nhà Tây Chu, thấy Khuyển Nhung mặt mày dữ tợn quá nên hoảng, mới
thiên đô sang Đông. Ấy, đã hoảng thế mà sao còn mượn họ hộ tống, nghĩa
là làm sao? Đã dám nhờ họ hộ tống thì cứ ở với họ, thiên đô làm gì?
Sử Tàu chép hữu lý hơn: Tây Chu đóng đô tại Kiển Kinh. Phía Tây của
Chu (cứ ở trong tỉnh Thiểm Tây) là Thân, có con gái gả cho vua Tây Chu,
và Tần. Hai chư hầu đó đều là Tàu, và giữ trọng trách làm phên dậu cho
Chu để ngăn Khuyển Nhung ở Cực Tây nhà Chu.
Thân hầu nghe tin con gái mình bị vua Chu ngược đãi bèn nổi giận, xúi
Khuyển Nhung vào đánh Chu. Nhưng đánh chiếm được Kiểu Kinh thì
Khuyển Nhung không chịu lui quân, cứ chiếm giữ đô ấp. Dĩ nhiên là như
vậy.