đầu đời Hạ nghĩ ra chế độ thế tập thì ông ta phải nghĩ ra cách ngăn ngừa
việc tranh giành ngôi báu, có thể làm mất luôn địa vị của dòng họ ông ta.
Tuy nhiên, vua Thiếu Khang có ẩn ý cho con thứ của ông một may mắn
lập nên sự nghiệp vì nếu Vô Dư thành công, y sẽ làm chúa một phương trời,
cũng là sướng cái thân vậy.
Tám trăm năm sau, Hùng Dịch mới là được phong thật sự ở đó, mà cũng
chỉ được có 50 dặm vuông (Tư Mã Thiên), tức lối 25 cây số vuông, tức quá
ít, thì Vô Dư hẳn là không chiếm được bao nhiêu đất trong buổi đầu, vì
không có chiến tranh mà chỉ là đi xin ở trọ thì không thể tới đông.
Hễ phong thì người được phong có mang chức tước, đằng nầy Vô Dư
không được lấy cái tước hạng bét thời bấy giờ là tước “Nam” (Công, Hầu,
Bá, Tử, Nam) mặc dầu y là con vua.
Ta có thể hiểu rằng Vô Dư chỉ lãnh đạo một đoàn người di cư vào đất lạ,
không hơn không kém, và tương lai của y, vua Tàu thấy là mờ mịt, bởi cả
bọn có thể chết vì ma thiêng nước độc hay vì cuộc kháng cự của thổ dân.
Rồi tên Vô Dư chết mất xác, nhưng dân di cư thì còn. Họ âm thầm sống,
hợp chủng và hợp văn hóa với dân Việt tại Kinh Việt.
Người Tàu lần lượt đến thêm, càng năm càng đông, và người Việt ở đó
lớp bị lai giống, lớp bị đồng hóa một cách có thuận tình, cho đến một khi
kia thì vua nhà Chu hay tin ở đó đã đông dân Tàu rồi, nên mới phong cho
Hùng Dịch, mà lần nầy thì có chức tước hẳn hoi. Hùng Dịch mang tước Tử
ở đất Kinh Man.
Tên Hùng Dịch nầy cũng khoe láo tuốt. Y chỉ là con của một dòng họ
biết chữ, có làm thầy dạy con vua học, nhưng y lại khoe láo rằng y là cháu
của vua Xuyên Húc là tổ nhà Hạ. Y nổi danh quá, lại giành mất đất Kinh
Cức rồi nên các sử Tàu không còn biết đặt tên Vô Dư ngồi ở đâu, đành để
cho vua của nước U Việt giành lấy vậy.