Hạ, không ai biết nó ra sao cả, vì không tìm được cổ tự đời Hạ bao giờ, nếu
đời Hạ đã có chữ.
Chữ Việt giản dị đó, đích thị là cái đuôi của chữ Việt thứ nhì trong thư
tịch Trung Hoa, chữ Việt mà các nhà Nho ta gọi là Việt bộ Mễ, nhưng người
Trung Hoa gọi đó là chữ Việt bộ Nguyệt và cái bộ Nguyệt là chính khúc
đuôi ấy, chớ không phải là chữ Mễ bên trong khung vuông.
Cho tới khi Khổng Tử san định Kinh Thư thì chữ Việt bộ Mễ mới thấy
xuất hiện, chớ trước đó thì chỉ có chữ Việt nguyên thỉ là cái đuôi của chữ
Việt bộ Mễ.
Tại sao họ lại viết như vậy? Không thấy sách nào cắt nghĩa cả, chúng tôi
nghiên cứu riêng thì thấy rằng chữ Việt nguyên thỉ và đơn giản đó, có thể có
nghĩa là cái rìu, mà sau nầy, đến đời Chu người Tàu mới viết lại với Kim và
Thích.
Bằng chứng mà chúng tôi trình ra đây chỉ do nhiều năm nghiền ngẫm,
như đã nói, không thấy sách nào giải thích cả. Cái chữ Việt đó là chữ tượng
hình, hình một loại vũ khí độc đáo mà dân Việt có, lưỡi bằng đồng pha, cán
ngắn, dùng để ném đi, chớ không phải để cầm tay mà chém trực tiếp.
Một lưỡi rìu như vậy đã đào được ở Quốc Oai, giữa Hà Đông và Sơn
Tây, mà người Pháp cho rằng giống chiếc giày hay một bàn chơn. Cán rìu
bằng nhánh cây chớ không phải bằng gỗ đẽo, bằng vào công trình hồi phục
lối tra cán cho loại rìu ấy của các nhà bác học Viện Viễn Đông bác cổ.
Chúng tôi xin trình bày ra đây hai bức họa, chữ Việt nguyên thỉ đó, và
hình của lưỡi rìu Quốc Oai với cán bằng nhánh cây, theo như đã hồi phục
(xem hình trang sau).
Thật ra thì theo sách vở, chữ Việt chỉ có nghĩa là cái búa (le marteau) mà
thôi, chữ Phủ mới là cái rìu (la hâche).