Tên dân lạ, thường được Tàu đặt bằng biệt sắc của dân ấy mà lưỡi rìu đó
là một biệt sắc rất độc đáo. (Mà nếu quả như vậy thì danh xưng Việt là do
Tàu đặt cho ta, chớ không phải do ta tự xưng. Ta chỉ gọi cái rìu của ta là cái
việt, chỉ có thế thôi).
Cũng nên nhớ rằng loại lưỡi rìu Quốc Oai nói trên được cả người Việt
Nam hiện nay gọi là Búa mặt nguyệt, vì nó hơi giống mặt trăng lưỡi liềm.
Đó là nói theo ngày nay mà ta đã vay mượn Phủ rồi, chớ xưa, chắc là nói
Việt mặt nguyệt. Nhận xét nầy cắt nghĩa được tại sao chữ Việt mà ta gọi là
bộ Mễ, người Tàu lại gọi là bộ Nguyệt, vì chính họ cũng thấy là cái đuôi
quan trọng đó giống trăng lưỡi liềm, bằng không phải vậy thì không sao cắt
nghĩa được tại sao bộ Mễ lại bị họ gọi là bộ Nguyệt.
Đây chỉ là ức thuyết. Nhưng rồi chúng ta sẽ thấy ức thuyết nầy đúng sự
thật khi nghiên cứu về tự dạng thứ tư của chữ Việt.
Một người bạn có theo dõi công việc của chúng tôi, đặt ra câu hỏi sau
đây: “Dưới đời nhà Thương dân Việt Kinh Man đã biết chất đồng pha hay
chưa và đã chế tạo được cái rìu Quốc Oai chưa mà liên kết tự dạng Việt
nguyên thỉ và lưỡi rìu đó?”.
Đó là một câu hỏi rất thông minh.
Chúng tôi không trả lời được, vì chúng tôi không có tài liệu nào cả, và
trên đây chỉ là ức thuyết.
Dầu sao, dân Việt cũng đã biết đồng pha vào thời Tây Chu. Vào thời ấy
họ đã chế tạo trống đồng rồi thì rất có thể dưới đời Thương họ đã biết chế
tạo rìu bằng đồng pha, vì đời Tây Chu kế tiếp cho đời Thương, hai trào đại
nầy không xa nhau lắm.
*
* *