Thứ ba, dân Việt ở nơi đó kém văn minh hơn dân Hoa không bao nhiêu,
bằng vào những câu sử Tàu tả họ cài nút áo phía bên tả. Họ đã biết mặc áo,
chớ không phải là dân còn ở lỗ.
Sử Tàu chép rằng dân Việt ở nước Sở lấy bên tả làm bên thuận. Nhận xét
đó ăn khớp với hình khắc ở trống đồng Đông Sơn Lạc Việt, mà bao nhiêu
cầm thú đều đi và bay ngược chiều kim đồng hồ, tức bay từ phải sang trái.
Điều thứ tư, họ đã tiến đến văn minh đồng pha, không biết từ bao lâu rồi,
chỉ biết đến đời Tây Chu họ đã có trống đồng pha, mà văn minh đồng pha
do họ tự tạo chớ không phải học với Trung Hoa. Trống đồng pha là một
nhạc khí tôn giáo đặc thù của họ mà thư tịch Trung Hoa đời Chu có nói đến,
còn Tàu thì không có trống đồng bao giờ.
Thư tịch Trung Hoa các đời sau cũng có nói đến trống đồng pha của Việt,
nhưng đó là Việt ở dưới nữa, ở đây chúng tôi chỉ kể đến Việt trên là Việt đất
Kinh Cức mà thôi.
Điều thứ năm, mà họ nhận thấy là dân Việt, vì ăn cơm, ăn cá nên có mình
dây (Sveltesse) chớ không bao giờ phát phì (Obésité). Còn người Trung
Hoa thì ăn thịt và ăn lúa mì, nhiều chất bổ, nên thường phát phì. Họ lại lai
giống với người Tây phương mà bịnh phát phì là bịnh chung của dân Tây
phương.
Nhận xét nầy đã biến thành tục ngữ của họ vào đời Tây chu. “Tần phì
Việt xấu”. Họ không so sánh Trung Hoa ở các vùng khác, mà chỉ trỏ người
Tần, tỉnh Thiểm Tây, vì Hoa và Việt có biên giới chung với nhau trước tiên
tại Nam Tần.
Thế thì Tần chắc một ngàn phần trăm không phải là Việt như giáo sư
Kim Định đã nói trong V.L.T.N. Họ là Tần, ăn lúa mì và ăn thịt nên họ mới
phì.