Vua nhà Chu bị chư hầu Tần bức bách phải chạy trốn sang nước Tấn, vậy
mà Khổng Tử nghiêm trang chép là “vua đi tuần thú”.
Vua Thuấn làm thế nào có quyền đi tuần thú phương Nam chớ, khi mà
phương Nam là đất Việt, mà Trung Hoa chưa chinh phục vào thời đó?
Vua nhà Chu yếu quá không được các nước coi ra gì hết thì sao có quyền
đi tuần thú ở nước Tấn?
Tuy nhiên, nếu ta bám sát theo tài liệu, ta vẫn giải thích được sự mâu
thuẫn ngỡ đang có giữa khoa khảo cổ Âu Mỹ và sử Tàu.
Thật sự thì vua Thuấn không phải đi tuần thú như sử Tàu đã chép, mà
ông chỉ xuất ngoại thôi.
Nhưng vua Thuấn xuất ngoại để làm gì, và làm thế nào ông ấy xuất ngoại
được vào cái thời mà sinh ngữ các nước chưa được trao đổi với nhau như
ngày nay.
Trước hết, ta nên biết nơi vua Thuấn bỏ mình. Đó là núi Thương Ngô.
Địa danh Thương Ngô đó đánh lạc hướng ta, vì ta ngỡ nó nằm cạnh Giao
Chỉ. Quả thật quận Thương Ngô đời Hán có ở gần Giao Chỉ, giữa Quảng
Tây và Vân Nam, nhưng nó ăn lên tận mãi đến Hồ Nam, tức bằng y một
tỉnh Trung Hoa ngày nay. Đất của quận Thương Ngô là một phần đất Quảng
Tây, một phần đất Vân Nam, một phần đất Quế Châu và một phần đất Hồ
Nam (xin xem chương định vị trí của Thương Ngô).
Riêng cái núi Thương Ngô thì người ta lại biết chắc chắn rằng là ở Hồ
Nam, vì núi Thương Ngô là tên xưa của núi Cửu Nghi ngày nay.
Vậy vua Thuấn không có đi xa tận Giao Chỉ như vài sách ta đã để lộ cho
thấy. Và cái phương Nam của ông, cũng không cách điểm xuất ngoại bao
nhiêu. Ông chỉ có đi qua đất Kinh Man, tức tỉnh Hồ Bắc ngày nay mà thôi,
tức một trong nhiều địa bàn của chủng Việt.