Danh xưng Lạc Việt biến mất vào thuở đó là vì lẽ chánh trị chớ không
phải lẽ dân số như sử gia Nguyễn Phương đã nói. Thực dân Trung Hoa
khác với thực dân Pháp sau nầy, họ xóa hết cái gì là cố cựu của thổ dân với
mục đích đồng hóa, chỉ có thế thôi. Danh xưng Lạc Việt mất một cách nhân
tạo, mất trong sách vở, trong văn kiện Trung Hoa, nhưng không mất trên
thực tế.
Về những con số nầy, không phải tìm tài liệu lạ cho mất công: Chúng tôi
xin lấy ngay tài liệu của sử gia Nguyễn Phương. Ở trang 331, sử gia viết:
(Năm … 858 (tức còn có 117 năm nữa thì ta độc lập vĩnh viễn với Đinh Bộ
Lĩnh)… một vị cai trị có tài tên là Vương Thức… đến nơi ông liền nghĩ đến
phòng thủ phủ thành… huấn luyện binh sĩ. Không lâu, có một bọn Nam
Man kéo đến. Thức ung dung cho người giải dịch hơn thiệt cho họ, họ rút
về”.
Còn có 1 trăm năm nữa thì “người Tàu Đinh Bộ Lĩnh” tách rời xứ nầy ra
khỏi chính quốc của y, thì hẳn quanh thành Đại La phải đông đặc người Tàu
di cư rồi, nếu căn cứ trên thuyết của sử gia Nguyễn Phương. Thế thì làm thế
nào bọn Nam Man tiến đến thành được? Họ có võ trang ư, còn người Tàu
thì tay không? Nhưng vũ khí của họ cũng chỉ là dao, mác thôi, mà dân Tàu
di cư, nhà nào cũng có dao, mác cả. Mà không phải Tàu chỉ ở quanh thành
mà thôi, vì người bổn xứ đã bị thiểu số từ lâu đời rồi thì người Tàu di cư
phải chiếm hết cả quận, huyện, tổng, làng. Không lẽ còn có một trăm năm
nữa mà “người Tàu Đinh Bộ Lĩnh” cầm đầu người Tàu di cư để ly khai, mà
người bổn xứ lại còn ở gần họ được?
Cũng cứ lấy tài liệu của sử gia Nguyễn Phương.
Năm 930 (nghĩa là còn có 45 năm nữa là “người Tàu Đinh Bộ Lĩnh”
phản loạn với chính quốc của y) Lý Tiến sang làm thứ sử Giao Châu, Lưu
Yểm căn dặn: “Dân Giao Chỉ thích làm loạn, chỉ nên tìm cách lung lạc họ
mà thôi”.