Nếu dân Giao Chỉ là người Tàu di cư thì một ông vua người Trung Hoa
không bao giờ lại ăn nói như vậy. Chẳng hạn, nói đến dân Trung Hoa ở
huyện Cảnh Đức Trấn, ông ấy đã nói: “Con dân ta”, ở Cảnh Đức Trấn vừa
tìm được một trái núi có đất tốt để chế tạo loại đồ sứ đẹp, tên là núi Cao
Lĩnh. Ông ấy không bao giờ nói: “Dân Cảnh Đức Trấn”. Vì thói quen của
các vua Tàu là như thế, khi nào nói đến dân ngoại chủng, họ mới chỉ dân ấy
bằng tên nước của ngoại chủng đó.
Sử gia Nguyễn Phương đã chứng minh được rằng nhà Tống “Công nhận
quyền độc lập của Cổ Việt giữa thời bình”. Nhưng trải qua mấy ngàn năm
lịch sử của Trung Hoa, không bao giờ giữa thời bình mà con dân Trung
Hoa lại đứng lên ly khai và nhứt là đòi hỏi ấy được thỏa mãn. Mà ở các
nước khác cũng thế. Như vậy tại sao “người Tàu Đinh Bộ Lĩnh” lại đòi ly
khai giữa lúc thạnh trị? Chỉ có một lối trả lời độc nhứt mà thôi: Đinh Bộ
Lĩnh không phải là người Tàu, hay ít lắm, dân của ông cũng không phải dân
Tàu.
Sử gia Nguyễn Phương lại trích bài chế của vua nhà Tống: “Đinh Bộ
Lĩnh có chí mến văn hóa của Trung Quốc…”. Nếu Đinh Bộ Lĩnh là người
Tàu, hẳn vua nhà Tống phải biết, cũng như vua nhà Tần đã biết rằng Triệu
Đà là người Tàu.
Mà người Tàu không bao giờ có chí mến văn hóa của Trung Quốc như
một số người của nước khác. Họ sanh ra, sống giữa văn hóa ấy, thấy tự
nhiên phải như vậy, theo văn hóa khác là không xong, văn hóa Trung Quốc
đối với họ như cơm mà họ ăn, áo mà họ mặc, nó quá quen thuộc mà họ giữ,
không ghét cũng chẳng mến, họ giữ nó một cách máy móc.
Vua nhà Tống mà nói như vậy thì hẳn ông ấy biết Đinh Bộ Lĩnh không
phải là người Tàu, và Đinh Bộ Lĩnh khởi nghĩa để giành độc lập cho Lạc
Việt chớ không phải để tách rời ra khỏi nước mẹ theo lối Huê Kỳ, Úc
Đại Lợi, Tân Tây Lan.