Văn học sử Trung Hoa cho biết rằng thi hào Vương Bột đời Đường làm
bài thơ Đằng Vương Các trong chuyến đi thăm cha làm quan huyện ở Giao
Chỉ.
Mãi cho tới đời Đường mà quan Tàu còn không mang vợ con theo, mặc
dầu họ được ở các thị trấn, tương đối ít chướng khí, thì hẳn thường dân
không ham tự động được di cư cho lắm.
Nên nhớ rằng đến đời Đường người Tàu vẫn cứ còn sống theo chế độ đại
gia đình, chớ không phải hễ biết làm thơ rồi như Vương Bột là được ra
riêng.
Cuộc thăm cha xa xôi của thi sĩ Vương Bột chứng tỏ rằng quan Tàu thuở
ấy không có mang gia đình theo. Họ liều thân một mình, để vợ con họ được
an toàn, tránh cái khí hậu nhiệt đới của Giao Chỉ mà dân Hoa Bắc không
chịu nổi.
Hạ chí Tuyến (tropique du Cancer) nằm ngay tại thành phố Quảng Đông
ngày nay, và qua khỏi Hạ chí Tuyến là vùng bán nhiệt đới (sub-tropical),
qua khỏi Cà Mau là vùng xích đạo nhiệt đới (équatorial), người Hoa Bắc
không làm sao mà sống được ở hai vùng khí hậu đó, chớ thật ra thì nó
không có độc gì hết như họ tưởng.
Cái huyền thoại Mã Viện thấy một con chim rơi rồi ngộ nhận là vì khí
hậu quá độc mà cả chim cũng phải rơi, chỉ là vì Mã Viện trông gà hóa quốc.
Y đã thấy một con chim bói cá, loại chim ấy không có ở Trung Hoa nên y
không biết. Người Tàu gọi nó là chim phỉ túy, miền Nam nước Việt gọi là
chim thằng chài, nó thường từ trên cao phóng xuống trông y hệt như là nó
rơi đối với con mắt người Hoa Bắc.
Lưu An trong Hoài Nam Tử đã chép rằng nhà Tần đánh Ngũ Lĩnh chỉ vì
tham lông chim phỉ túy, tức con chim bói cá mà Trung Hoa không có.