Trong cuộc xâm lăng của nhà Tống, sử Tàu thú nhận có 110.000 binh sĩ
chết vì sơn lam chướng khí (không kể bọn chết trận), mà chuyện đó xảy ra
1.035 năm sau Mã Viện, thì đủ biết người Tàu không ở đất Giao Chỉ được
mà nói đến những đợt di cư liên tiếp.
Ở đây tưởng nên trở lại vấn đề bất phục thủy thổ mà tất cả các sử gia Tàu
đều nói đến, mãi cho tới đời nhà Thanh cũng còn nói.
Người ta tự hỏi nếu xưa Tàu ở Giao Chỉ không được, sao nay họ lại ở
được, cả ở đường xích đạo (Anh Đô Nê Xia) nữa.
Nhưng ta cứ kiểm soát lại xem người Tàu sống ở Đông Nam Á ngày nay
là ai. Đó là người Hải Nam, Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến và Hẹ.
Ngoài 5 nhóm đó ra, tuyệt đối không còn nhóm nào khác nữa hết. Không
bao giờ ai tìm gặp một người Hồ Nam, một người Triết Giang tại Đông
Nam Á.
Mà 5 nhóm người ấy là ai? Đó là những người Thái (Tây Âu, Đông Âu,
Hẹ, Hải Nam) và những người Lạc (Phúc Kiến, Triều Châu) biến thành
Tàu.
Dưới những đời Hán, Tần, Đường, Tống, Minh, họ còn là man di, nên
không giỏi để mà đi làm ăn xa, còn người Tàu thật sự, tức người Hoa Bắc
và Hoa Trung thì chỉ chịu đựng nổi khí hậu Hạ chí Tuyến mà thôi (tuyến
nầy nằm ngang thành phố Quảng Đông).
Cả đến “man di” Sở, gốc Việt, mà vẫn không dám xuống khỏi Hạ chí
Tuyến.
Người Tàu di cư xuống Đông Nam Á hiện nay, sở dĩ di cư được, chính vì
họ là những con người sống tại ranh giới Hạ chí Tuyến, có thể quen được
với khí hậu bán nhiệt đới. Nhưng những con người ấy, khi xưa, còn kém cỏi
lắm, không thể biết đi làm thợ, hoặc làm thương mại xa, còn bọn có khả
năng là bọn ở trên thì từ xưa đến nay không di cư bao giờ.