Vấn đề sơn lam chướng khí của Giao Chỉ là chuyện huyền thoại mà họ
đưa ra, khi họ không giải thích được một sự thật về phản ứng cơ thể đối với
khí hậu lạ.
Tài liệu rõ ràng hơn cả là một câu sử trong Hậu Hán thư thiên Mã Viện
truyện.
Mã Viện thắng trận rồi thì kiểm điểm lại để về nước. Binh sĩ tử trận
không đáng kể, mà “Bất phục thủy thổ mà chết 10 phần hao hết 4 hoặc
năm”. Đó là binh sĩ Trung Hoa, chớ không phải người Tây Âu ở Nam Việt
hay đạo thân binh Việt phản quốc mà chúng tôi đã nói đến và sử gia
Nguyễn Phương cho là người Tàu di cư tình nguyện đi lính.
Chúng ta tự hỏi có phải chăng sử gia Nguyễn Phương đã bị ông O. Jansé
đánh lạc hướng? Quả thật vậy, trong danh sách những sách tham khảo của
sử gia Nguyễn Phương thấy có quyển A.R.I.I. của ông O. Jansé, và trong
quyển sách đó, ở chương kết luận, ngắn chỉ có một trang, ông O. Jansé có
viết:
Vì cuộc lấn lần của người Trung Hoa mà dân Cổ Mã Lai rút đi xa, có lẽ
về hướng Nam… (trước thời Triệu Đà).
Nhưng ông O. Jansé đã tự mâu thuẫn với ông vì trước đó mấy dòng, ông
viết rằng quý tộc Lạc Việt rất ham gả con gái cho bọn phiêu lưu Tàu mà tài
nghệ siêu quần. Đã mê Tàu như thế, sao lại bỏ nước mà đi?
Nhưng chẳng những không có bằng chứng ta bỏ đất cho Tàu, mà trái lại
còn có vô số bằng cớ là ta không có bỏ đất, hay nói cho thật đúng, chỉ có
một số người là bỏ thôi, đó là quý tộc Lạc Việt và tôi tớ, gia nhân, nô lệ của
họ, mà việc đó cũng chỉ vào thời Mã Viện, chớ trước thì không có, sau cũng
không có, đại đa số dân chúng vẫn ở lại, bằng cớ là khi Mã Viện đến, họ
gặp toàn người Lạc Việt chớ không có gặp người Tàu nào đã di cư ở
sẵn đó.