Còn thì Hoa kiều thường dân luôn luôn trở về cố thổ, sau khi nhắm mắt,
hoặc ngay lúc còn sống, khi đã làm giàu rồi.
Một chứng tích ngộ nghĩnh mà ông O. Jansé, kẻ đào mồ cuốc mả thiên hạ
lại không thấy, để cho người khác thấy. Người khác đó là ông L. Bézacler.
Ông nầy viết: “Những ngôi mộ Tàu tìm thấy ở Bắc Việt và Bắc Trung Việt
đều là mộ từ thời Hậu Hán về sau, trước đó không hề có”.
Mộ dân là mộ đất thì có hay không cũng chẳng ai biết. Mộ mà ông L.
Bézacler nói đến là mộ quan. Nhưng nếu có mộ của rể các lãnh chúa như
ông O. Jansé nói thì hẳn người ta cũng đã tưởng là mộ quan, và đã cho là
có, vì rể lãnh chúa phải là những nhơn vật quan trọng không kém gì quan,
và họ được tống táng theo Tàu chớ không theo Việt.
Cái câu chuyện các lãnh chúa ham gả con gái cho Tàu di cư của ông O.
Jansé chỉ là huyền thoại của một nhà bác học kém tưởng tượng khi bịa càn.
Còn đây là một sự kiện nó đánh ngã thuyết của sử gia Nguyễn Phương
bằng những vố nặng hơn bất cứ tài liệu nào.
Từ 1680 đến năm 1945, Hoa kiều ở miền Nam có lập ra hội Di hài, mỗi
năm mỗi Hoa kiều nghèo, đóng một số tiền niên liễm, để sau họ qua đời,
hội sẽ di chuyển hài cốt của họ về quê cha đất tổ họ bên Tàu.
Đó là cái hoài bão tha thiết nhứt của Trung Hoa di cư sang Việt Nam.
Nhưng thuở xưa thì có như thế hay không? Đó mới là chuyện đáng kể.
Cụ Vương Hồng Sển nguyên là quản thủ Bảo tàng viện Sài Gòn, là một
nhà chơi đồ cổ có tiếng, cụ có cho chúng tôi thấy một thứ hộp bằng sứ chế
tạo bởi những lò sứ ở Thanh Hóa của người Hoa kiều đời Đường, đời Tống.
Đó là hộp chế tạo riêng để dựng hài cốt Hoa kiều trong chiến dịch di hài nói
trên.