đó là một giả thuyết quá vô lý. Tần Thỉ Hoàng tham bạo như vậy thì không
thể nào y tha cho An Dương Vương, chỉ mượn đường mà thôi
Đang bí, các ông Tây rất vui mừng mà gặp tay Tống Nho Chu Khứ Phi
gỡ rối cho các ông.
Chu Khứ Phi viết rằng: Tượng Quận = Giao chỉ
Hẳn họ Chu thấy các sử trước lầm một cách quá lộ liễu nên dời Tượng
Quận lên trên. Mà như vậy lại càng chứng tỏ rằng không ai biết Tượng
Quận ở đâu cả, mạnh ai nấy bịa.
Đến đời nhà Lê của ta thì Ngô Sĩ Liên đã điên đầu rồi nên hòa giải bằng
cách cho rằng Tượng Quận là xứ Annam, ông không dại mà nói quá rõ cho
sai, ông ngỡ gộp lại như thế thì không còn làm sao mà sai được, lại hữu lý
hơn ông Tàu là Cố Hy Phùng nhiều lắm.
Đến trào Nguyễn, các quan viết Khâm Định Việt Sử, thấy rằng vẫn cứ còn
lôi thôi về Tượng Quận nên lại phịa thêm ra nữa là Tượng Quận vốn là đất
của bộ Việt Thường trước đời Tần, bộ nầy nhà Tần hợp với Cửu Chơn làm
ra Tượng Quận.
Đó là dựng đứng lên cả một cái xứ, chớ cổ sử Trung Hoa chỉ nói đến thị
tộc Việt Thường, mà như vậy là tên dân chớ không phải tên xứ và tên bộ
nào hết, nhưng họ cũng không biết dân đó ở đâu, chỉ thấy dân đó tới cống
cho vua Chu Thành Vương nhưng vua ấy không nhận lễ vì Hoa chủng và
thị tộc đó chưa hề giao hiếu với nhau lần nào.
Đến cuối đời Đường, một huyện ở Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh) mới
được mang một tên mới, là huyện Việt Thường, người đặt tên chỉ đặt phất
phơ, chớ không phải là dựa vào sử liệu nào cho biết Nghệ An nay là Việt
Thường xưa. Vả lại nếu Tượng Quận là Nghệ An thì Giao Chỉ biến đi đâu
chớ, trong việc phân chia thành quận, huyện dưới đời Tần?