Ngô Sĩ Liên hơi can đảm một tí, dám nói đến địa danh Âu Lạc nhưng lại
cho đó là quận Thương Ngô, một quận mà các sách đời Hán đã cho biết một
cách đích xác rằng nằm giữa Quảng Tây và Vân Nam, ở trên lằn mức Phiên
Ngung, tức hoàn toàn ở bên Tàu, chớ không dính líu gì tới sông Nhị Hà và
thành Cổ Loa cả. Nhưng sau khi nói như vậy, ông liền viết ngay tức khắc
một điều rất là mâu thuẫn: Lộ Bác Đức để nguyên hai quận Giao Chỉ và
Cửu Chơn (tức Âu Lạc) nhưng lại lập ra ngay một quận mới là Thương
Ngô.
Cái mới là kỳ dị! Âu Lạc là Thương Ngô ở dòng trên thì tại sao dòng
dưới Âu Lạc còn nguyên vẹn, mà lập thêm được Thương Ngô, với đất
nào? Nếu với đất khác thì Âu Lạc không phải Thương Ngô, còn như xén
đất của Âu Lạc, làm gì có được sự kiện để nguyên Âu Lạc?
Các sử gia ta xưa đều có đọc sử Tàu, cũng biết phê phán, biết sử dụng sử
liệu khá đúng cách, nhưng không hiểu sao về giai đoạn Tần - Hán thì các
ông lại quá bê bối.
Thí dụ về đảo Hải Nam, năm 111 T.K., Lộ Bác Đức không bao giờ đánh
chiếm được đảo Hải Nam cả, sử nhà Hán đã thú nhận như thế, đảo đó, sau
năm 50 mới bị đánh lại lần nữa và mới chiếm được.
Ngô Sĩ Liên và Ngô Thì Sĩ viết rằng nhà Hán diệt Triệu Đà rồi thì chia
phương Nam làm 9 quận, trong đó có Châu Nhai, Đam Nhỉ (Hải Nam).
Sự thật thì nhà Hán chỉ chia phương Nam ra thành 7 quận mà thôi vì Hải
Nam chưa chiếm được, có đâu để làm 9 quận?
Tới cai trị ta, các nhà Nho Tây đọc sử Tàu và sử ta, quá nhức đầu về
những cuộc trống đánh xuôi kèn thổi ngược về địa danh, nó rất trái với tinh
thần thích biết đích xác của họ, nên họ đi tìm. Nhưng họ vẫn hoàn toàn thất
bại, vì hai nhà Nho Tây làm cái công việc đó, lại thiếu căn bản khoa học.