Sử gia Nguyễn Phương không hề có nói rằng mình hiểu như các ông Tây.
Nhưng ông trích câu sử của Tư Mã Thiên về việc trồng người làm gì? Nếu
không có mục đích ngầm chứng minh bằng tài liệu Tư Mã Thiên, qua trung
gian của H. Maspéro và L. Aurousseau.
Ở đây chúng tôi chỉ bác bỏ các ông Tây và các ông Tàu là đủ rồi, như sử
gia Nguyễn Phương có hậu ý chứng minh qua trung gian hai ông Tây thì sử
gia sẽ bị bác bỏ gián tiếp vậy.
*
* *
Tưởng nên nói đến ông H. Maspéro trước vì ông là người phất cờ tiên
khởi đi tìm Tượng Quận, Tây Âu và Âu Lạc năm 1918, rồi sau đó thì một
trận bút chiến nổi lên, vô cùng sôi động giữa các nhà bác học Pháp, Hoa,
Nhật, Việt. Người xưa viết sai thì êm rơ, còn người nay thì bị rầy rà. Nhưng
tất cả những ông kể trên đây, cự nhau dữ lắm mà rốt cuộc ông nào cũng sai,
lại còn làm rối loạn hơn cổ nhân nữa, thế nên ta lại phải xét lại từ người cổ
đến người kim.
Có đến hai Tượng Quận, Tượng Quận thứ nhứt do nhà Tần đặt ra, Tượng
Quận thứ nhì là Tượng Quận đời Hán, cũng đã tách làm đôi Tượng Quận
đời Tần, phía dưới, vùng giáp ranh Giao Chỉ, đặt tên là quận Thương Ngô,
phía trên, giữ tên cũ là Tượng Quận. Nhưng cái Tượng Quận đời Hán nầy
thì vài mươi năm sau bị nhập vào Quý Châu và Quảng Tây, tức bị bỏ luôn.
Ai muốn biết rõ những cổ thư nào đã cho biết đích xác như vậy, xin xem
bộ tạp chí Lục đồng biệt lục xuất bản tại Tứ Xuyên, bộ 1946 thì rõ.
Trong trận thế chiến thứ II, Tưởng Giới Thạch chạy vào đó để kháng
Nhựt, trí thức Trung Hoa cũng chạy theo và những tạp chí văn hóa lớn đều
xuất bản ở Tứ Xuyên. Nhà bác học Trung Hoa Lão Cán đã nghiên cứu kỹ
về hai Tượng Quận đó, bằng vào các cổ thư Trung Hoa đời Hán.