Người ta lại biết, nhờ các cổ thư như Sử Ký và Tiền Hán thư, thời điểm
chinh phục những vùng đất Tây Nam (của Trung Hoa) như Quý Châu, Vân
Nam v.v. xảy ra sau Tần Thỉ Hoàng đến một thế kỷ. Những vùng nầy phải
được đặt ra ngoài vấn đề. Vậy thì, Tượng Quận chỉ có thể ăn vào những xứ
Annam (ý tác giả muốn chỉ Bắc Việt và Bắc Trung Việt). Chính những xứ
nầy, cũng cứ theo cái cổ thư trên, đã bị nhà Tần chinh phục vào thời 221-
214.
Lối thấy trên đây được quyển Hoài Nam Tử, thế kỷ thứ Hai trước Tây
lịch xác nhận, trong cổ thư đó có chép trận đánh 221-214 trong đó một
lãnh chúa Bắc Kỳ tên là Trạch Hu Tống tử trận. Vậy không thể còn nghi
ngờ gì nữa. Cái quận ở cực Nam mà Trung Hoa đặt ra năm 214 giống hệt
như các xứ Annam bị chinh phục, cũng cứ bởi những người Tàu đó vào
những năm 221-224. Thế thì cái chữ Tượng chỉ cái quận đó, đích thị là cái
tiếng Tàu đã được đặt cho các xứ Annam năm 214”.
Thoạt trông, coi có vẽ chặt chẽ lắm, chính vì thế mà ông L. Aurousseau
cứ nói mãi là “chắc chắn như vậy”.
Nhưng thật ra thì rất sai, bởi không hề có cổ thư Trung Hoa nào nói rằng
“Các xứ Annam đã bị nhà Tần chinh phục vào thời 220-214” hết, như ông
L. Aurousseau vừa nói. Riêng Lưu An, tác giả Hoài Nam Tử, thì lại không
bao giờ có nói rằng Trạch Hu Tống là lãnh chúa của Bắc kỳ. Họ Lưu chỉ
viết: “Người ta (tức quân Tần) giết được Trạch Hu Tống, vua của nước
Tây Âu”. Ông L. Aurousseau tự ý thêm hai chữ “Bắc Kỳ” sau địa danh Tây
Âu, rồi nói: “Đó, Lưu An đã nói rằng Bắc Kỳ đã bị chiếm”. Đó là cuộc
ngụy tạo thứ nhứt, bằng chữ nghĩa, lại bằng “phụ đề”. Bằng chữ nghĩa là sự
tự ý thêm hai tiếng “Bắc Kỳ”, còn bằng phụ đề là giải thích càn rằng giết
lãnh chúa, tức là chiếm nước. Giết lãnh chúa, không bao giờ có nghĩa là
chiếm nước, và sự thật thì theo Hoài Nam Tử, vua Trạch Hu Tống bị giết
rồi, dân chúng Tây Âu cứ tự động tổ chức để đánh lại Tần mà không cần
ông vua nào nữa cả.