Tàu rất khinh man di. Nếu man di có vua, họ cũng tìm cách hạ vua man
di xuống chức chúa, tức thấp hơn vua một bực. Khi mà một ông vua Tàu
(Lưu An, tác giả Hoài Nam Tử là một ông vua đấy) nhìn nhận rằng nước
Tây Âu có vua, thì ta phải tin Lưu An một ngàn phần trăm.
Tưởng cũng nên định nghĩa rõ về các danh từ Vương, Quân, Chúa, Lãnh
chúa v.v.
Cho tới đời nhà Chu thì chỉ có Vương, trên Vương không có ai cả. Đó là
Vua. Nhưng các lãnh chúa bên Tàu lại tự ý xưng Vương khi nhà Chu suy vi.
Đó là vua tiếm xưng, nhưng vua thật sự là vua nhà Chu vì quá yếu, đành để
vậy. Hóa ra trong nước Tàu có lu bù Vương. Đó là hình thức ly khai thành
nhiều tiểu bang vậy, và đã là tiểu bang thì có quyền tự xưng Vương.
Thí dụ: An nam quốc vương.
Chợt Tần vương, một ông vua của tiểu bang Tần, đánh dẹp cả và thống
nhứt nước Tàu. Đáng lý gì trở về chức Vương cũ, ông ta lại thấy Vương bị
hoen ố rồi, nên xưng Đế, và chia nước Tàu ra thành nhiều tỉnh gọi là quận,
không còn vua chư hầu nào hết.
Nhà Tần sụp, nhà Hán lên, thấy rằng nước Tàu quá lớn, nhiều tỉnh hóa ra
ở quá xa trung ương không đủ sức tự vệ mà cũng không đủ quyền uy để trị
dân, thế nên mới tái lập chế độ chư hầu nửa chừng, tức lập ra một số chư
hầu lớn và một số tỉnh nhỏ, các tỉnh ấy cũng cứ được gọi là quận như đời
Tần.
Đứng đầu chư hầu, không còn là Công, Hầu, Bá gì nữa, mà là Vương, vì
Vương đã lên Đế rồi.
Vậy Vương là vua chư hầu của một tiểu bang Tàu một trăm phần trăm.
Thí dụ Lưu An, tác giả câu sử trên đây, là ông vua của vùng Nam sông
Hoài, với chức Hoài Nam Vương, tác giả của sách Hoài Nam Tử.