Cả hai nghĩa của danh xưng Indonésien đều sai về mặt khoa học. Thế
mới chết!
Trong danh xưng Anh-Đô-Nê-Diêng nghĩa thứ nhứt, tức nghĩa thông
thường, có ngữ căn Ấn Độ. Mà ngữ căn ấy sai. Ở xứ đó, không có người
dân Ấn Độ nào hết, hay chỉ có leo heo như Sài Gòn vậy thôi, họ là Ấn kiều
chớ không phải dân.
Số là khi người Âu châu tới đó, thấy dân xứ ấy theo văn hóa Ấn Độ, họ
bèn gọi gộp xứ ấy và nước Ấn Độ là “Những xứ Ấn Độ” (Les Indes).
Về sau, biết rõ hơn, họ phân biệt xứ đó (Nam Dương) với Ấn Độ, nhưng
vẫn cứ còn giữ ngữ căn Ấn Độ và gọi Nam Dương là Indonésien tức cứ còn
vô lý hoài.
Nhưng nếu chỉ có một nghĩa ấy mà thôi, thì có sai cũng chẳng sao. Phiền
lắm là còn một nghĩa thứ nhì nó khiến cho cả một số học giả Âu châu cũng
lầm vì cái ngữ căn Ấn Độ sai đó.
Nghĩa thứ nhì, như đã nói, là Cổ Mã Lai.
Người đặt danh xưng với cái nghĩa đầu, đã đặt sai như đã giải thích trên
đây. Rồi nhà bác học nào đó, đã cho nó cái nghĩa thứ nhì mà giới bác học đã
trót nhìn nhận, lại không mát tay chút nào hết.
Đa số dân ở xứ Nam Dương thuộc chủng Mã Lai, trong đó có cả Cổ Mã
Lai và Kim Mã Lai.
Khi muốn tìm một danh xưng chỉ các nhóm Cổ Mã Lai thì nhà bác học
khuyết danh ấy nghĩ ngay đến cái xứ mà họ gọi sai là Indonésie, và cho
danh xưng Indonésien cái nghĩa là Cổ Mã Lai. Ông ấy đã từ một danh xưng
sai, tạo ra một thuật ngữ chuyên môn sai.