Kỳ, Tây Âu Lạc…
Thế là danh xưng Tây Âu Lạc thành hình một cách quái dị, bởi chữ Kỳ
thứ nhì, nằm không một mình như vậy, còn có nghĩa gì nữa hở quý vị nhà
Nho? Vậy mà ông cứ kết luận rằng có một nước mới được thành lập tên là
Tây Âu Lạc. Và cắt nghĩa rằng đó là Tây Âu + Lạc Việt, để rồi kết luận
rằng hễ nhà Tần chiếm lấy Tây Âu thì phải có chiếm Lạc Việt vì sự sáp
nhập đã xảy ra rồi với An Dương Vương. Câu chuyện kết luận sai, vì lối
đọc chữ Nho sai.
(Có một nhà bác học Nhựt Bổn, nhân đọc đoạn sử đó, nói rằng thuở đó ở
cạnh nước ta có một nước tên là Lõa Quốc. Một ông Tây lầm chữ Nho thì
còn cho qua được, chớ một nhà bác học Nhựt Bổn mà như thế thì thật là phi
Á Đông).
Danh xưng Tây Âu Lạc là một danh xưng không bao giờ có, thế mà nó
được hai nhà trí thức Trung Hoa thời cổ nói đến.
Trong Sử Ký, thiên Nam Việt liệt truyện, Tư Mã Thiên viết: “Triệu Đà
xưng hùng tại Nam Hải rồi lấy tài vật đút lót cho các nước Mân Việt và Tây
Âu Lạc để làm nước phụ thuộc.
Thấy quá rõ là Tư Mã Thiên đã viết sai. Thật thế, sau khi xưng hùng,
Triệu Đà không đủ quân chiếm hết 3 quận của nước Tây Âu, đành phải
bằng lòng với quận Nam Hải nhỏ hẹp. Phần Tây Âu còn lại, được chính dân
Tây Âu tự động xưng hùng và quản trị. Triệu Đà đã đút lót cho cấp lãnh đạo
của cái phần Tây Âu mà lão ta chưa đủ quân để chiếm. Như vậy họ Tư Mã
chỉ có quyền đồng hoá cái phần còn lại đó với cả nước Tây Âu mà thôi, chớ
không có quyền nói đến một nước Tây Âu Lạc, vì cái nước đó sẽ được
chúng tôi chứng minh rằng không bao giờ có.
Sự cẩu thả của Tư Mã Thiên, về sau được Cố Hy Phùng phổ biến rộng rãi
thêm, thành thử danh xưng không có, lại hoá ra có.