Mặc dầu tài giỏi, bọn lưu vong vẫn chưa đủ sức vẫy vùng, nhứt là Tần lại
quật cường, làm bá chủ Trung Hoa và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Vậy họ âm thầm đợi. Ông vua Thục lưu vong ấy chết đi, có thể để lại
một đứa con trai, có thể quả thật tên là Phán như Ngô Sĩ Liên đã chép,
nhưng không phải họ Thục như họ Ngô đã lầm. Hắn ta đích thị là con vua
Thục, một từ ngữ có vẻ bí hiểm của cổ sử Tàu mà ta không tin, vì biết cha
con của vua Thục đã bị giết từ năm 316 T.C. rồi. Nhưng vua đây, chỉ là ông
vua lưu vong, chớ không phải là ông vua vong quốc và con là con của vua
lưu vong đó, tức cháu nội của vua vong quốc.
Thế thì mấy tiếng “Thục Vương tử” đã được giải thích ổn thoả.
Năm mà kẻ tên Phán ấy 23 tuổi là năm 268 trước Tây lịch. Mười một
năm sau, tức năm ông ấy 34 tuổi, ông ấy mới cất quân đánh Hùng Vương
thứ 18. Đó là vào năm 257 T.K.
Năm ấy nhà Chu chưa bị diệt và chư hầu Tần vừa bị thua một trận lớn do
Tin Lăng Quân của nước Ngụy chủ phá.
Nhưng thời cuộc ở nước Tàu thật ra thì không liên hệ tới thời cuộc của
vùng dưới nầy.
Do đâu mà Thục Vương tử mộ quân Tây Âu được? Bọn quý tộc có thoát
được đông hàng ngàn, cũng chỉ là sĩ quan. Lính phải là người bản xứ.
Sự kiện những vua lưu vong được các nước tiếp khách giúp đỡ cho,
không thiếu, trong lịch sử thế giới. Phương chi như đã nói, dân Thục lưu
vong lại tài ba, hoạt động nhiều để được sự giúp đỡ ấy bằng cách giúp cán
bộ cho cái nước Tây Âu ở Lưỡng Quảng. Nước Thục là nước phát minh
nhiều thứ công nghệ như đã nói thì hẳn họ có nhiều cán bộ để cho vua
Trạch Hu Tống mượn hầu đổi lấy quyền mộ binh.